Thời điểm xuất hóa đơn điện tử: Hướng dẫn mới nhất theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP, có ví dụ minh họa
Từ ngày 01/6/2025, Nghị định 70/2025/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, sửa đổi, bổ sung nhiều điều, khoản quan trọng về hóa đơn, chứng từ tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP. Trong đó, điểm mới đáng chú ý quy định về thời điểm lập hóa đơn điện tử, được quy định cụ thể theo từng lĩnh vực và loại giao dịch kinh tế. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết theo từng nghiệp vụ cụ thể, kèm ví dụ minh họa để doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh dễ dàng áp dụng.
1. Hướng dẫn xác định thời điểm xuất hóa đơn điện tử theo từng nghiệp vụ

Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi Điều 9, Nghị định 123/2020/NĐ-CP, quy định chi tiết về thời điểm xuất hóa đơn điện tử đối với từng nghiệp vụ kinh tế:
1.1. Với hoạt động bán hàng hóa
Căn cứ Điểm a, Khoản 6, Điều 1, Nghị định 70/2025/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 9, Nghị định 123/2020/NĐ-CP), thời điểm lập hóa đơn điện tử đối với giao dịch bán hàng hóa (bao gồm cả trường hợp bán, chuyển nhượng tài sản công hoặc hàng hóa thuộc đối tượng dự trữ quốc gia) là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa của người bán cho người mua, bất kể người bán đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Ví dụ minh họa 1:
Ngày 04/07/2025, bên bán và bên mua ký hợp đồng mua hàng và đặt cọc một phần tiền.
Tiếp theo, vào ngày 07/07/2025, người mua chuyển thêm tiền trước.
Tuy nhiên, đến ngày 10/07/2025 hàng hóa mới được bên bán bàn giao cho bên mua.
=> Trong trường hợp này, doanh nghiệp chỉ phải lập hóa đơn vào thời điểm bàn giao hàng hóa, tức là ngày 10/07/2025, không phụ thuộc vào việc đã nhận được tiền hay chưa.
Ví dụ minh họa 2:
Vào ngày 13/07/2025, doanh nghiệp giao hàng cho người mua nhưng chưa nhận được thanh toán.
=> Doanh nghiệp vẫn phải xuất hóa đơn vào đúng ngày giao hàng, tức ngày 13/07/2025, dù chưa thu tiền.
Trường hợp xuất khẩu hàng hóa (bao gồm cả hoạt động gia công xuất khẩu):
Thời điểm lập hóa đơn điện tử (gồm cả hóa đơn GTGT điện tử hoặc hóa đơn bán hàng điện tử) là do bên xuất khẩu chủ động xác định, nhưng không được chậm hơn ngày làm việc kế tiếp kể từ thời điểm hàng hóa hoàn thành thủ tục thông quan theo quy định hải quan.
Mặt khác, căn cứ theo Điểm b, Khoản 10, Điều 1, Nghị định 70/2025/NĐ-CP (hiệu lực từ ngày 01/6/2025), đối với cơ sở có hoạt động xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ (bao gồm cả cơ sở gia công phục vụ xuất khẩu), việc lập hóa đơn điện tử thực hiện theo nguyên tắc tại Khoản 1, Điều 9, Nghị định 123/2020/NĐ-CP đã được sửa đổi.
Đồng thời: Trong quá trình đưa hàng ra cửa khẩu hoặc chuyển đến nơi làm thủ tục xuất khẩu, doanh nghiệp có thể sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ hoặc hóa đơn điện tử theo quy định để phục vụ mục đích lưu thông hàng hóa trong nội địa.
1.2. Thời điểm xuất hóa đơn điện tử với hoạt động cung cấp dịch vụ
Theo Điểm a, Khoản 6, Điều 1, Nghị định 70/2025/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 9, Nghị định 123/2020/NĐ-CP):
Ví dụ minh họa 1:
Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cho khách hàng từ ngày 03/07/2025 đến 12/07/2025. Trong suốt thời gian này, chưa phát sinh khoản thu nào từ phía khách hàng.
Đến ngày 13/07/2025, dịch vụ hoàn tất và được bàn giao đầy đủ cho bên mua.
=> Trường hợp này, doanh nghiệp phải lập hóa đơn vào thời điểm hoàn thành dịch vụ, tức ngày 13/07/2025. Dù khách chưa thanh toán hay đúng ngày đó mới trả tiền thì vẫn phải xuất hóa đơn vào ngày hoàn tất.
Lưu ý: Nếu trong quá trình thực hiện dịch vụ (từ 03/7 đến 12/7) nếu doanh nghiệp có thu trước một phần hoặc toàn bộ tiền thì hóa đơn phải được lập vào ngày thu tiền, không đợi đến khi dịch vụ hoàn thành.
Ví dụ minh họa 2:
Ngày 22/07/2025, khách hàng thanh toán toàn bộ chi phí dịch vụ và ký hợp đồng với đơn vị cung cấp. Tuy nhiên, tại thời điểm này dịch vụ chưa bắt đầu hoặc đang trong quá trình chuẩn bị triển khai.
=> Trường hợp này, doanh nghiệp phải lập hóa đơn ngay tại ngày nhận tiền, tức ngày 22/07/2025, không được trì hoãn tới khi cung cấp xong dịch vụ mới xuất hóa đơn.
1.3. Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ
Căn cứ Khoản 3, Điều 9, Nghị định 123/2020/NĐ-CP, đối với trường hợp giao hàng chia thành nhiều lần hoặc bàn giao theo từng công đoạn, hạng mục dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn tương ứng cho khối lượng và giá trị hàng hóa, dịch vụ được bàn giao.
1.4. Thời điểm lập hóa đơn đối với một số trường hợp cụ thể
STT |
Trường hợp cụ thể |
Thời điểm lập HĐĐT |
Căn cứ pháp lý |
1 |
(1) Các ngành như: viễn thông, truyền hình, điện lực, thương mại điện tử, bưu chính, ngân hàng, xổ số điện toán, thu phí giao thông… – những lĩnh vực có tần suất cung cấp dịch vụ liên tục, khối lượng lớn và cần thời gian đối soát dữ liệu giữa các bên. (2) Hoạt động Kinh doanh bất động sản, cơ sở hạ tầng, nhà ở thương mại như: bán nhà, công trình xây dựng, chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc cơ sở hạ tầng thuộc dự án đầu tư. |
Là ngày hoàn tất đối soát dữ liệu cung cấp dịch vụ giữa các bên có liên quan. Tuy nhiên, chậm nhất không được vượt quá ngày 07 của tháng kế tiếp tháng phát sinh nghĩa vụ lập hóa đơn, hoặc không quá 07 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ quy ước giữa các bên.
|
Nghị định 70/2025/NĐ-CP, sửa đổi Điểm a, Khoản 4, Điều 9, Nghị định 123/2020/NĐ-CP |
2 |
Dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin (bao gồm trung gian thanh toán) |
Là ngày hoàn thành việc đối soát cước phí dịch vụ, chậm nhất không vượt quá 02 tháng tính từ tháng phát sinh cước sử dụng.
|
Điểm b, Khoản 4, Điều 9, Nghị định 123/2020/NĐ-CP. |
3 |
Doanh nghiệp viễn thông thực hiện bán thẻ cào trả trước hoặc thu phí hòa mạng nhưng người dùng không có nhu cầu lấy hóa đơn giá trị gia tăng |
Cuối mỗi ngày hoặc theo chu kỳ định kỳ trong tháng |
Điểm b, Khoản 4, Điều 9, Nghị định 123/2020/NĐ-CP |
4 |
Hoạt động xây dựng, lắp đặt |
Là ngày nghiệm thu, bàn giao từng phần hoặc toàn bộ công trình, hạng mục, hoặc khối lượng đã hoàn thành, không phụ thuộc vào việc đã thanh toán hay chưa |
Điểm c, Khoản 4, Điều 9, Nghị định 123/2020/NĐ-CP |
5 |
Kinh doanh bất động sản, xây dựng hạ tầng kỹ thuật hoặc nhà để bán, nhưng chưa hoàn tất thủ tục chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng cho bên mua |
Ngày thu tiền hoặc căn cứ theo thỏa thuận thời gian thanh toán trong hợp đồng |
Điểm d.1, Khoản 4, Điều 9, Nghị định 123/2020/NĐ-CP |
6 |
Kinh doanh bất động sản, xây dựng hạ tầng, nhà ở để bán và đã hoàn tất thủ tục chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng cho người mua |
Căn cứ theo Khoản 1 (thời điểm chuyển giao quyền sở hữu/sử dụng) |
Điểm d.2, Khoản 4, Điều 9, Nghị định 123/2020/NĐ-CP |
7 |
Dịch vụ vận tải hàng không (khách hàng mua vé máy bay thông qua website) hoặc nền tảng thương mại điện tử |
Hóa đơn điện tử phải được lập chậm nhất không quá 05 ngày kể từ ngày phát hành chứng từ dịch vụ trên hệ thống |
Điểm đ, Khoản 4, Điều 9, Nghị định 123/2020/NĐ-CP |
8 |
Hoạt động liên quan đến tìm kiếm, thăm dò, khai thác hoặc chế biến dầu thô, condensate và các sản phẩm được tạo ra từ dầu thô |
Là thời điểm xác định giá bán chính thức |
Nghị định 70/2025/NĐ-CP, sửa đổi Điểm e, Khoản 4, Điều 9, Nghị định 123/2020/NĐ-CP |
9 |
Bán khí thiên nhiên, khí đồng hành hoặc khí than thông qua hệ thống đường ống dẫn |
Xác định sản lượng khí đã giao trong tháng, căn cứ kết quả đối chiếu giữa các bên và chậm nhất là ngày cuối cùng của thời hạn kê khai thuế tháng phát sinh giao dịch |
Điểm e, Khoản 4, Điều 9, Nghị định, 123/2020/NĐ-CP |
10 |
Bán dầu thô hoặc khí thiên nhiên thuộc các hợp đồng có thỏa thuận bảo lãnh hoặc cam kết của Chính phủ |
Theo thỏa thuận bảo lãnh hoặc cam kết của Chính phủ |
Điểm e, Khoản 4, Điều 9, Nghị định 123/2020/NĐ-CP |
11 |
Bán điện của công ty cung cấp điện trên thị trường điện |
Ngày hoàn thành đối soát số liệu thanh toán điện năng giữa các bên và chậm nhất vào ngày cuối cùng của thời hạn kê khai thuế tháng phát sinh doanh thu |
Điểm h, Khoản 4, Điều 9, Nghị định 123/2020/NĐ-CP |
12 |
Công ty phát điện bán điện theo hợp đồng có cam kết bảo lãnh hoặc bảo đảm của Chính phủ |
Căn cứ theo bảo lãnh của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Công Thương |
Điểm h, Khoản 4, Điều 9, Nghị định 123/2020/NĐ-CP |
13 |
Bán lẻ xăng dầu |
Thời điểm kết thúc từng lần bán lẻ xăng dầu |
Điểm i, Khoản 4, Điều 9, Nghị định 123/2020/NĐ-CP. |
14 |
Dịch vụ vận tải hàng không, dịch vụ kinh doanh bảo hiểm thông qua đại lý |
Khi hoàn tất việc đối soát dữ liệu thanh toán giữa các bên, chậm nhất là ngày 10 của tháng liền kề sau tháng phát sinh giao dịch |
Điểm k, Khoản 4, Điều 9, Nghị định 123/2020/NĐ-CP |
15 |
Hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng |
Ngày đến hạn thu theo hợp đồng, hoặc ngày thực tế thu tiền trong trường hợp thu lãi trước hạn hoặc thu ngay khi phát sinh |
Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi Điểm l, Khoản 4, Điều 9, Nghị định 123/2020/NĐ-CP |
16 |
Đại lý đổi ngoại tệ, hoặc cung cấp dịch vụ nhận và chi trả ngoại tệ cho khách hàng |
Ngày thực hiện giao dịch đổi ngoại tệ hoặc ngày hoàn thành việc cung cấp dịch vụ nhận/chi trả ngoại tệ |
Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa Điểm l, Khoản 4, Điều 9, Nghị định 123/2020/NĐ-CP |
17 |
Kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi, có sử dụng phần mềm tính cước trên xe |
Kết thúc chuyến đi |
Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa Điểm m, Khoản 4, Điều 9, Nghị định 123/2020/NĐ-CP |
18 |
Cơ sở y tế cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, trong đó người bệnh không yêu cầu lấy hóa đơn, hoặc thanh toán chi phí thông qua cơ quan BHXH |
Cuối ngày trên cơ sở tổng hợp dịch vụ đã cung cấp, hoặc khi người bệnh yêu cầu, hoặc tại thời điểm thanh toán với cơ quan BHXH |
Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa Điểm m, Khoản 4, Điều 9, Nghị định 123/2020/NĐ-CP |
19 |
Thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC) |
Lập vào ngày phương tiện qua trạm thu phí hoặc được tổng hợp định kỳ cuối tháng, tùy theo phương thức đối soát và thỏa thuận với khách hàng |
Điểm o, Khoản 4, Điều 9, Nghị định 123/2020/NĐ-CP |
20 |
Hoạt động kinh doanh bảo hiểm |
Thời điểm ghi nhận doanh thu bảo hiểm |
Nghị định 70/2025/NĐ-CP, bổ sung Điểm p vào Khoản 4, Điều 9, Nghị định 123/2020/NĐ-CP |
21 |
Kinh doanh vé xổ số truyền thống hoặc xổ số biết kết quả ngay với vé đã in sẵn |
Ngay sau khi hoàn tất việc thu hồi số vé không tiêu thụ hết của kỳ phát hành, và chậm nhất là trước thời điểm mở thưởng của kỳ phát hành tiếp theo |
Nghị định 70/2025/NĐ-CP, bổ sung Điểm q vào Khoản 4, Điều 9, Nghị định 123/2020/NĐ-CP |
22 |
Hoạt động kinh doanh casino hoặc trò chơi điện tử có thưởng, đồng thời thực hiện chuyển dữ liệu theo Mẫu số 01/TH-DT ban hành kèm theo Nghị định |
Chậm nhất trong 01 ngày từ khi kết thúc ngày xác định doanh thu (00h00 đến 23h59 cùng ngày), đảm bảo thống nhất với thời điểm ghi nhận doanh thu và việc chuyển dữ liệu theo quy định |
Nghị định 70/2025/NĐ-CP, bổ sung Điểm r vào Khoản 4, Điều 9, Nghị định 123/2020/NĐ-CP |
Ví dụ 1 - Hoạt động xây dựng, lắp đặt
Doanh nghiệp A ký hợp đồng xây dựng hệ thống điện cho một tòa nhà văn phòng. Ngày 15/07/2025, doanh nghiệp hoàn thành xong phần lắp đặt hệ thống chiếu sáng tầng 1 và được chủ đầu tư nghiệm thu, bàn giao phần việc này.
=> Thời điểm lập hóa đơn là ngày 15/07/2025, tương ứng với thời điểm nghiệm thu và bàn giao phần công việc đã hoàn thành, không phụ thuộc vào việc chủ đầu tư đã thanh toán hay chưa.
Ví dụ 2 - Dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin (bao gồm trung gian thanh toán)
Công ty B cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán cho một ứng dụng mua sắm trực tuyến. Cước phí dịch vụ tháng 5/2025 được hoàn thành đối soát vào ngày 25/06/2025.
=> Thời điểm lập hóa đơn là ngày 25/06/2025, tức là ngày hoàn tất đối soát, và vẫn đảm bảo trong thời hạn tối đa 2 tháng kể từ tháng phát sinh cước phí sử dụng (tháng 5/2025).
2. So sánh thời điểm xuất HĐĐT giữa Nghị định 70/2025/NĐ-CP và Nghị định 123/2020/NĐ-CP
STT |
Trường hợp |
Nghị định 123/2020/NĐ-CP (cũ) |
Nghị định 70/2025/NĐ-CP (mới) |
1 |
Xuất khẩu hàng hóa (gồm gia công) |
Không quy định rõ thời điểm cụ thể |
Do người bán tự xác định nhưng lập hóa đơn chậm nhất ngày làm việc tiếp theo sau ngày hàng được thông quan |
2 |
Cung cấp dịch vụ cho tổ chức/cá nhân nước ngoài |
Không quy định cụ thể |
Thời điểm hoàn thành dịch vụ, không phân biệt đã thu tiền hay chưa |
3 |
Dịch vụ số lượng lớn, phát sinh thường xuyên (vận tải đường sắt, quảng cáo TV, TMĐT, ngân hàng…) |
Không có quy định rõ ràng theo nhóm ngành |
Được phép đối soát, lập hóa đơn chậm nhất ngày 07 tháng sau hoặc 07 ngày sau kỳ quy ước |
4 |
Kinh doanh bảo hiểm |
Không có quy định cụ thể |
Thời điểm ghi nhận doanh thu theo Luật bảo hiểm |
5 |
Vé xổ số truyền thống |
Không rõ ràng |
Sau khi thu hồi vé xổ số không tiêu thụ hết và chậm nhất là trước khi mở thưởng của kỳ tiếp theo. |
6 |
Casino, trò chơi điện tử có thưởng |
Không quy định |
Lập hóa đơn chậm nhất 01 ngày sau ngày xác định doanh thu (0h00–23h59), đồng thời gửi dữ liệu theo Mẫu 01/TH-DT |
7 |
Cho vay |
Không rõ ràng |
Thời điểm thu được tiền lãi vay của khách hàng. Trường hợp trả lãi trước hạn theo hợp đồng tín dụng thì thời điểm lập hóa đơn là thời điểm thu lãi trước hạn. |
8 |
Đổi ngoại tệ, dịch vụ ngoại tệ |
Không rõ |
Thời điểm thời điểm đổi ngoại tệ, thời điểm hoàn thành dịch vụ nhận và chi trả ngoại tệ. |
9 |
Bán khí thiên nhiên, khí đồng hành, khí than |
Xác định khối lượng khí, chậm nhất 7 ngày sau gửi thông báo |
Xác định khối lượng khí, chậm nhất là ngày cuối cùng thời hạn nộp tờ khai thuế tháng. |
10 |
Bán lẻ, ăn uống trực tiếp đến người tiêu dùng (cuối ngày) |
Cho phép lập hóa đơn tổng vào cuối ngày |
Bỏ quy định này. |
11 |
Ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm... không cần hóa đơn |
Cho phép lập hóa đơn tổng cuối tháng hoặc cuối ngày |
Bỏ quy định này. |
12 |
Taxi có phần mềm tính tiền |
Gửi thông tin chuyến đi; chỉ lập hóa đơn nếu khách yêu cầu |
Bắt buộc lập hóa đơn tại thời điểm kết thúc chuyến đi. |
13 |
Cơ sở khám chữa bệnh BHYT |
“Cơ sở y tế kinh doanh…” lập hóa đơn theo nhu cầu |
Thay thành “cơ sở khám chữa bệnh”, lập hóa đơn tại thời điểm được BHXH quyết toán. Bổ sung quy định "cơ sở khám bệnh, chữa bệnh lập hóa đơn cho cơ quan bảo hiểm xã hội tại thời điểm được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh cho người có thẻ bảo hiểm y tế". |
3. 5 câu hỏi thường gặp về thời điểm xuất hóa đơn điện tử
Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp liên quan đến thời điểm lập hóa đơn:
3.1. Từ ngày 01/6/2025, có thể xuất hóa đơn lùi ngày được không?
Trả lời:
Theo Điều 4, Nghị định 123/2020/NĐ-CP, thời điểm lập hóa đơn điện tử phải phù hợp với thời điểm phát sinh nghĩa vụ kê khai thuế, giao hàng, cung ứng dịch vụ hoặc bàn giao công trình, tùy từng trường hợp cụ thể. Việc xuất hóa đơn lùi ngày (tức là ghi ngày hóa đơn sớm hơn thời điểm thực tế phát sinh giao dịch) được xem là vi phạm quy định về thời điểm lập hóa đơn, có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 125/2020/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 102/2021/NĐ-CP).
3.2. Giao hàng trước khi xuất hóa đơn có được không, có bị phạt không?
Trả lời:
Theo quy định tại Điểm e, Khoản 4, Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP (được sửa đổi tại Nghị định 70/2025/NĐ-CP), thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phụ thuộc vào việc đã thu được tiền hay chưa.
Vì vậy, nếu bên bán đã giao hàng mà chưa lập hóa đơn, thì hành vi này bị coi là xuất hóa đơn không đúng thời điểm và có thể bị xử phạt theo Điều 24, Nghị định 125/2020/NĐ-CP, với mức phạt từ cảnh cáo đến 8 triệu đồng tùy mức độ vi phạm.
3.3 Nhận tiền trước khi giao hàng/cung cấp dịch vụ thì có phải xuất hóa đơn ngay không?
Trả lời:
Theo quy định mới nhất tại Điểm a, Khoản 4, Điều 9, Nghị định 123/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 70/2025/NĐ-CP, nếu người bán nhận tiền trước khi giao hàng hoặc cung cấp dịch vụ thì phải lập hóa đơn tại thời điểm thu tiền.
3.4 Năm 2025, xuất hóa đơn sai thời điểm bị phạt như thế nào?
Trả lời:
Theo Điều 24, Nghị định 125/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Khoản 3, Điều 1, Nghị định 102/2021/NĐ-CP:
Mức phạt đối với hành vi lập hóa đơn sai thời điểm:
- Phạt cảnh cáo nếu: Lập hóa đơn sai thời điểm nhưng không làm chậm nghĩa vụ thuế và có tình tiết giảm nhẹ.
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu hóa đơn được lập sai thời điểm nhưng không ảnh hưởng đến thời hạn kê khai, nộp thuế và không thuộc trường hợp có tình tiết giảm nhẹ nêu trên.
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu: Việc lập hóa đơn sai thời điểm không thuộc các trường hợp đã nêu tại Khoản 1 và Khoản 3, tức là vi phạm thông thường.
Biện pháp khắc phục: Trường hợp bên mua yêu cầu, người bán phải lập lại hóa đơn đúng quy định nếu thuộc hành vi tại Điểm d, Khoản 4 hoặc Khoản 5, Điều 24.
Lưu ý: Các mức xử phạt trên được áp dụng cho tổ chức vi phạm. Nếu là cá nhân, mức phạt sẽ bằng 50% mức nêu trên.
3.5. Thời điểm ký số khác với ngày lập hóa đơn thì có vi phạm không? Gửi cơ quan thuế chậm nhất là khi nào?
Trả lời:
Theo quy định tại Điểm b, Khoản 4, Điều 9, Nghị định 123/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 70/2025/NĐ-CP), thời điểm lập hóa đơn là căn cứ pháp lý chính, còn thời điểm ký số chỉ là thời điểm hoàn tất kỹ thuật.
Tuy nhiên, nếu thời điểm ký số và thời điểm gửi cơ quan thuế (với hóa đơn có mã), hoặc thời điểm chuyển dữ liệu đến cơ quan thuế (với hóa đơn không có mã) diễn ra sau thời điểm lập hóa đơn, thì chậm nhất phải hoàn thành trong ngày làm việc tiếp theo.
Trừ trường hợp gửi dữ liệu theo bảng tổng hợp (quy định tại Điểm a.1, Khoản 3, Điều 22, Nghị định 123/2020/NĐ-CP), nếu gửi sau thời gian quy định thì có thể bị xử phạt theo Điều 24, Nghị định 125/2020/NĐ-CP.
Người bán khai thuế theo ngày lập hóa đơn; người mua khai thuế theo ngày nhận hóa đơn hợp lệ.
Nghị định 70/2025/NĐ-CP đã bổ sung và sửa đổi nhiều quy định quan trọng liên quan đến thời điểm lập, ký số và gửi hóa đơn điện tử. Doanh nghiệp cần nắm rõ các mốc thời gian tương ứng với từng nghiệp vụ để xuất hóa đơn đúng quy định, tránh bị xử phạt. Việc cập nhật và áp dụng chính xác các điểm mới là cơ sở giúp đảm bảo tính pháp lý cho chứng từ và thuận lợi trong kê khai thuế.
Dương Thúy.