Trang chủ Tin tức Tổng hợp 8 điểm mới của Thông tư 32/2025/TT-BTC về hóa đơn, chứng từ

Tổng hợp 8 điểm mới của Thông tư 32/2025/TT-BTC về hóa đơn, chứng từ

Bởi: Einvoice.vn - 12/07/2025 Lượt xem: 104

Từ ngày 01/6/2025, Thông tư 32/2025/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành chính thức có hiệu lực, thay thế Thông tư 78/2021/TT-BTC về hóa đơn, chứng từ. Thông tư mới đưa ra một số quy định điều chỉnh, bổ sung nhằm khắc phục vướng mắc trong thực tiễn triển khai hóa đơn điện tử thời gian qua. Bài viết dưới đây tổng hợp những điểm mới đáng chú ý để người nộp thuế, doanh nghiệp và các tổ chức liên quan kịp thời cập nhật, tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Mục Lục

1. Mở rộng đối tượng được ủy nhiệm lập hóa đơn

2. Bổ sung thêm ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu của hóa đơn

3. Bổ sung các trường hợp mới về áp dụng hóa đơn điện tử

4. Bổ sung quy định về nội dung hóa đơn giá trị gia tăng kiêm tờ khai hoàn thuế

5. Bổ sung các tiêu chí xác định rủi ro về thuế cao trong đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử

6. Bắt buộc chuyển sang chứng từ khấu trừ thuế TNCN điện tử

7. Hướng dẫn xử lý hóa đơn lập sai trước ngày 01/6/2025

8. Trường hợp không bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền

1. Mở rộng đối tượng được ủy nhiệm lập hóa đơn

So với Thông tư 78/2021/TT-BTC, tại Điều 4, Thông tư 32/2025/TT-BTC đã mở rộng đối tượng được ủy nhiệm lập hóa đơn bao gồm hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Cụ thể, Bộ Tài chính đã không còn quy định người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ phải là “doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác”.

Đồng thời, Thông tư cũng không bắt buộc bên thứ ba là bên có có quan hệ liên kết với người bán. Bên thứ ba chỉ cần là đối tượng đáp ứng điều kiện sử dụng hóa đơn điện tử và không thuộc các trường hợp ngừng sử dụng hóa đơn điện tử.

Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thông qua nền tảng thương mại điện tử và ủy nhiệm cho tổ chức quản lý nền tảng lập hóa đơn điện tử, thì tổ chức quản lý nền tảng thương mại điện tử có trách nhiệm thông báo với cơ quan thuế về việc ủy nhiệm này.

2. Bổ sung thêm ký hiệu mẫu số hóa đơn, ký hiệu của hóa đơn

Ký hiệu mẫu số hóa đơn
Thông tư 32/2025/TT-BTC bổ sung các ký hiệu, mẫu số hóa đơn mới.

So với Thông tư 78/2021/TT-BTC, Điều 5 của Thông tư 32/2025/TT-BTC bổ sung các ký hiệu, mẫu số hóa đơn mới gồm:

Số 7: Phản ánh hóa đơn thương mại điện tử.

Song song với đó là bổ sung ký hiệu loại hóa đơn:

Chữ X: Áp dụng đối với hóa đơn thương mại điện tử.

Ví dụ: Ký hiệu hóa đơn 7K25XAB là hóa đơn thương mại điện tử loại không có mã được lập năm 2025 do doanh nghiệp đăng ký với cơ quan thuế.

3. Bổ sung các trường hợp mới về áp dụng hóa đơn điện tử

Điều 6, Thông tư 32/2025/TT-BTC bổ sung các trường hợp mới về áp dụng hóa đơn điện tử, cụ thể như sau:

Đối với các hoạt động bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ có tần suất cao, số lượng lớn và cần thời gian để đối chiếu số liệu giữa bên bán và bên mua: việc lập hóa đơn điện tử được thực hiện theo hướng dẫn tại điểm a khoản 4 Điều 9 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Nghị định 70/2025/NĐ-CP. Một số trường hợp cụ thể bao gồm:

- Các giao dịch liên quan đến sản phẩm phái sinh, tuân theo quy định trong lĩnh vực tín dụng, chứng khoán, thương mại và thuế GTGT.

- Dịch vụ suất ăn công nghiệp phục vụ tại doanh nghiệp, nhà máy.

- Dịch vụ cung cấp qua Sở Giao dịch hàng hóa.

- Dịch vụ thông tin tín dụng.

- Vận tải hành khách bằng taxi, áp dụng đối với khách hàng là doanh nghiệp hoặc tổ chức.

Đối với hoạt động cho thuê tài chính, việc sử dụng hóa đơn điện tử có thêm yêu cầu đặc thù:

- Tài sản cho thuê phải có đầy đủ hóa đơn GTGT đầu vào (trường hợp mua trong nước) hoặc chứng từ nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu (đối với tài sản nhập khẩu).

- Khi phát hành hóa đơn đầu ra, tổng số thuế GTGT phải khớp với số thuế GTGT đầu vào hoặc chứng từ nộp thuế tương ứng.

- Trên hóa đơn, cần sử dụng ký hiệu đặc biệt “CTTC” để nhận diện đúng loại giao dịch này.

- Trường hợp tài sản cho thuê không thuộc diện chịu thuế GTGT, hoặc không có chứng từ hợp lệ về thuế GTGT thì không được thể hiện thuế GTGT trên hóa đơn điện tử phát hành.

4. Bổ sung quy định về nội dung hóa đơn giá trị gia tăng kiêm tờ khai hoàn thuế

Theo Điều 7, Thông tư 32/2025/TT-BTC, nội dung hóa đơn giá trị gia tăng kiêm tờ khai thuế sẽ gồm 3 phần:

Phần A: Dành cho doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế

Doanh nghiệp bán hàng hoàn thuế khi lập hóa đơn cần ghi đầy đủ các nội dung:

- Tên loại hóa đơn: "HÓA ĐƠN KIÊM TỜ KHAI HOÀN THUẾ".

- Ký hiệu hóa đơn và mẫu số hóa đơn theo quy định hiện hành.

- Thông tin bên bán: tên doanh nghiệp, địa chỉ, mã số thuế.

- Thông tin khách hàng: họ tên, quốc tịch, số hộ chiếu/giấy tờ xuất nhập cảnh (có ghi rõ ngày cấp và ngày hết hạn).

- Thông tin chi tiết hàng hóa: tên hàng, đơn vị tính, số lượng, đơn giá, thành tiền (chưa thuế), thuế suất GTGT, tiền thuế từng loại, tổng tiền thuế GTGT, và tổng số tiền thanh toán đã gồm thuế.

- Tên hàng hóa thể hiện rõ ràng: nhãn hiệu, model/số seri (nếu có), xuất xứ (với hàng nhập khẩu), số máy (đối với sản phẩm cơ khí - điện tử).

- Chữ ký số của người bánchữ ký của người mua trên bản thể hiện hóa đơn điện tử.

- Phương thức thanh toán: liệt kê rõ từng khoản theo hình thức thanh toán bằng tiền mặt hoặc qua thẻ quốc tế (nêu rõ tên và số thẻ).

Phần B: Dành cho cơ quan hải quan

Phần này dành cho cơ quan hải quan lập để ghi nhận kết quả kiểm tra và xác định khoản thuế GTGT được hoàn cho khách nước ngoài, bao gồm:

- STT hàng hóa.

- Tên mặt hàng.

- Số lượng.

- Số tiền thuế GTGT trên hóa đơn và số thuế được hoàn.

- Thời gian kiểm tra (ngày, tháng, năm).

- Tên và chữ ký của cán bộ hải quan kiểm tra.

Phần C: Dành cho ngân hàng thương mại là đại lý hoàn thuế lập.

Ngân hàng thương mại khi thực hiện việc hoàn thuế GTGT cho người nước ngoài sẽ ghi nhận các thông tin sau:

- Thông tin hành trình xuất cảnh: số hiệu và ngày tháng chuyến bay hoặc chuyến tàu mà khách rời khỏi Việt Nam.

- Số thuế giá trị gia tăng được hoàn lại cho khách.

- Hình thức thanh toán: ghi rõ từng khoản thanh toán bằng tiền mặt hoặc qua thẻ quốc tế (bao gồm tên thẻ và số thẻ).

- Thời gian thanh toán: nêu cụ thể ngày, tháng, năm thực hiện hoàn thuế.

5. Bổ sung các tiêu chí xác định rủi ro về thuế cao trong đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử

TT 32/2025/TT-BTC bổ sung 05 tiêu chí xác định rủi ro cao về thuế
TT 32/2025/TT-BTC bổ sung 05 tiêu chí xác định rủi ro cao về thuế trong đăng ký sử dụng HĐĐT.

Theo Điều 9, Thông tư 32/2025/TT-BTC, 05 tiêu chí xác định rủi ro cao về thuế trong đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử bao gồm:

Tiêu chí 1: Người nộp thuế có chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật, đại diện hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân đồng thời đứng tên hoặc giữ vai trò tương tự tại tổ chức/cá nhân khác đã bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền kết luận có hành vi gian lận hoặc mua bán hóa đơn, theo dữ liệu do cơ quan thuế quản lý.

Tiêu chí 2: Người nộp thuế mà chủ sở hữu, người đại diện pháp luật, cá nhân kinh doanh, đại diện hộ kinh doanh hoặc chủ doanh nghiệp tư nhân có tên trong danh sách các đối tượng có giao dịch bị nghi ngờ theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 sẽ bị xếp vào diện có rủi ro cao.

Tiêu chí 3: Người nộp thuế sử dụng địa chỉ trụ sở chính không rõ ràng theo địa giới hành chính hoặc đặt trụ sở tại chung cư, trừ trường hợp chung cư đó được phép kinh doanh theo quy định pháp luật; ngoài ra, cũng bị xem xét là rủi ro nếu có địa điểm kinh doanh nằm ngoài tỉnh/thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc chi nhánh.

Tiêu chí 4: Trường hợp người đại diện theo pháp luật hoặc chủ sở hữu của doanh nghiệp đồng thời cũng là người đại diện pháp lý hoặc chủ sở hữu của tổ chức/cá nhân đang ở tình trạng "ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn tất thủ tục chấm dứt mã số thuế" hoặc bị xác định là "không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký", và có liên quan đến các hành vi vi phạm quy định về thuế, hóa đơn, chứng từ theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tài chính, thì sẽ bị đánh giá là có mức độ rủi ro cao.

Tiêu chí 5: Người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro khác do cơ quan thuế xác định và có thông báo cho người nộp thuế được biết và giải trình.

6. Bắt buộc chuyển sang chứng từ khấu trừ thuế TNCN điện tử

Theo Khoản 2, Điều 12, Thông tư 32/2025/TT-BTC, kể từ ngày 01/6/2025, các tổ chức thực hiện khấu trừ thuế thu nhập cá nhân (TNCN) bắt buộc phải dừng sử dụng chứng từ khấu trừ TNCN điện tử theo mẫu cũ và chuyển sang áp dụng mẫu chứng từ điện tử mới được quy định tại Nghị định 70/2025/NĐ-CP.

7. Hướng dẫn xử lý hóa đơn lập sai trước ngày 01/6/2025

Hướng dẫn xử lý sai sót trên hóa đơn
Thông tư 32/2025/TT-BTC hướng dẫn xử lý hóa đơn lập sai trước ngày 1/6/2025.

Căn cứ theo Khoản 8, Điều 12, Thông tư 32/2025/TT-BTC, trường hợp doanh nghiệp, tổ chức, hộ hoặc cá nhân kinh doanh đã bắt đầu triển khai sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 70/2025/NĐ-CP) cùng các quy định tại Thông tư mới ban hành, nhưng lại phát hiện hóa đơn được lập trước đó theo Nghị định 51/2010/NĐ-CP, Nghị định 04/2014/NĐ-CP và các văn bản liên quan của Bộ Tài chính bị sai sót, thì việc xử lý sẽ thực hiện như sau:

Các bên liên quan (người bán và người mua) cần lập văn bản thống nhất nêu rõ nội dung sai lệch, đồng thời lập lại hóa đơn điện tử mới (hóa đơn có mã của cơ quan thuế hoặc hóa đơn không có mã) để thay thế cho hóa đơn cũ bị sai.

Trên hóa đơn điện tử mới phải thể hiện rõ dòng chữ: “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số… Ký hiệu… Số… Ngày… Tháng… Năm…” nhằm xác định rõ nội dung liên quan đến hóa đơn gốc.

Tùy thuộc vào loại hóa đơn đang sử dụng, người bán sẽ:

- Ký số và gửi trực tiếp cho người mua đối với hóa đơn điện tử không có mã.

- Gửi lên cơ quan thuế để được cấp mã đối với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.

8. Trường hợp không bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền

Theo quy định tại Khoản 5, Điều 12, Thông tư 32/2025/TT-BTC, doanh nghiệp đã thực hiện đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế để bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng trước thời điểm ngày 01/6/2025, sẽ có hai phương án lựa chọn như sau:

- Chuyển đổi sang hình thức sử dụng hóa đơn điện tử được tạo lập từ máy tính tiền theo quy định tại Nghị định 70/2025/NĐ-CP.

- Hoặc tiếp tục sử dụng loại hóa đơn điện tử mà doanh nghiệp đã đăng ký với cơ quan thuế trước đó, nếu chưa có nhu cầu thay đổi.

Nhằm đồng hành cùng cá nhân, hộ kinh doanh tuân thủ quy định pháp luật và thúc đẩy chuyển đổi số, Công ty Phát triển Công nghệ Thái Sơn triển khai chương trình ưu đãi đặc biệt, hỗ trợ miễn phí đến 12 tháng sử dụng trọn bộ phần mềm: Hóa đơn điện tử - Chữ ký số - Quản lý bán hàng – Bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, khi đăng ký sử dụng phần mềm hóa đơn điện tử E-invoice, hộ kinh doanh sẽ được nhận loạt ưu đãi gồm:

- Tặng 100 số hóa đơn điện tử.

- Miễn phí 100 số hóa đơn đầu vào.

- Miễn phí lên đến 12 tháng phần mềm kê khai BHXH eBH.

- Miễn phí lên đến 6 tháng phần mềm quản lý bán hàng TruePos.

Bộ giải pháp số toàn diện của Công ty Thái Sơn được thiết kế linh hoạt, đáp ứng đa dạng nhu cầu hộ kinh doanh từ nhỏ lẻ đến chuyên nghiệp.

Khi Thông tư 32/2025/TT-BTC đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/6/2025, với nhiều quy định mới về hóa đơn, chứng từ điện tử và lộ trình áp dụng hóa đơn khởi tạo từ máy tính tiền theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP, bộ giải pháp của Công ty Thái Sơn giúp hộ kinh doanh chủ động thích ứng kịp thời, hạn chế rủi ro và đảm bảo vận hành đúng quy định trong giai đoạn chuyển đổi quan trọng hiện nay.

Để trải nghiệm MIỄN PHÍ các tính năng ưu việt và quy trình quản lý hóa đơn chuyên nghiệp với E-INVOICE, Quý doanh nghiệp vui lòng liên hệ qua Hotline 24/7: Miền Bắc: 1900 4767, Miền Trung – Miền Nam: 1900 4768.

Dương Thúy.