Hóa đơn rủi ro về thuế: Cách nhận biết và lưu ý cho doanh nghiệp
Hóa đơn là căn cứ quan trọng để doanh nghiệp quản lý và nộp thuế. Việc nhận biết và hiểu rõ hóa đơn rủi ro về thuế sẽ hạn chế được rắc rối, tránh nguy cơ bị phạt và tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Hóa đơn rủi ro về thuế.
1. Nhận biết các trường hợp hóa đơn rủi ro về thuế
Hóa đơn là chứng từ do người bán lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo quy định của pháp luật (quy định tại Khoản 1, Điều 3, Nghị định 123/2020/NĐ-CP).
Hóa đơn có thể được lập dưới dạng hóa đơn điện tử hoặc hóa đơn giấy. Để nhận biết các trường hợp hóa đơn rủi ro về thuế cần nắm rõ được các quy định liên quan đến hóa đơn, chứng từ.
1.1. Hóa đơn khống
Hóa đơn khống là loại hóa đơn giả mạo, không có giao dịch thực tế đi kèm. Hóa đơn khống là một trong những hóa đơn có rủi ro lớn về thuế thường gặp nhất, doanh nghiệp cần đặc biệt lưu ý.
Dấu hiệu nhận biết hóa đơn khống:
- Hóa đơn không có dấu, chữ ký, hoặc dấu, chữ ký không rõ ràng.
- Thông tin trên hóa đơn không khớp với thực tế giao dịch.
- Doanh nghiệp cung cấp hóa đơn có dấu hiệu hoạt động bất thường.
1.2. Hóa đơn không hợp lệ
Hóa đơn không hợp lệ được hiểu là hóa đơn không đáp ứng được đầy đủ những tiêu chí bắt buộc về mặt nội dung, tiêu thức hay thời điểm xuất hóa đơn.
Dấu hiệu nhận biết hóa đơn không hợp lệ:
- Hóa đơn không đúng mẫu;
- Hóa đơn không có mã của cơ quan thuế;
- Hóa đơn không có chữ ký, không có dấu.
Để phát hiện ra hóa đơn không hợp lệ có thể sử dụng cách tra cứu hóa đơn theo hướng dẫn tại Thông tư 78/2021/TT-BTC ban hành ngày 17/9/2021.
>> Tham khảo: Quy định thời điểm lập hóa đơn.
1.3. Hóa đơn sai thông tin
Hóa đơn sai thông tin là một trong những hóa đơn có khả năng rủi ro về thuế cao.
Nguyên nhân dẫn đến sai thông tin là do sơ suất trong quá trình lập hóa đơn hoặc có thể là cố tình gian lận.
Thông thường, rất khó nhận biết một số hóa đơn sai thông tin do cố tình gian lận.
Một số dấu hiệu nhận biết hóa đơn sai thông tin:
- Hóa đơn viết sai tên hàng hóa;
- Hóa đơn sai có số lượng, đơn giá cao hoặc thấp bất thường;
- Hóa đơn không tra được mã số thuế, địa chỉ người mua hoặc bán.
1.4. Hóa đơn không khớp với thực tế giao dịch
Trường hợp hóa đơn được lập nhưng không có giao dịch thực tế hoặc giao dịch không đúng như thông tin ghi trên hóa đơn được xếp vào hóa đơn có rủi ro về thuế.
Các hóa đơn không khớp với thực tế giao dịch thường là cố tình được lập, do đó rất khó để nhận biết. Hóa đơn này chỉ được phát hiện khi có sự thanh tra, kiểm tra chuyên ngành.
1.5. Hóa đơn mua từ doanh nghiệp có rủi ro về thuế
Hóa đơn mua từ các doanh nghiệp có rủi ro thuế có thể dẫn đến tăng số thuế giá trị gia tăng và số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.
Các doanh nghiệp có rủi ro thường có các dấu hiệu như:
- Doanh nghiệp hoạt động bất thường, thường xuyên thay đổi địa chỉ,
- Doanh nghiệp thành lập nhiều năm không phát sinh doanh thu, bị bán lại, chuyển nhượng cho người khác.
- Doanh nghiệp có số lần thay đổi trạng thái hoạt động hoặc số lần thay đổi kinh doanh từ 02 lần trong năm.
- Doanh nghiệp sử dụng hóa đơn với số lượng lớn (từ 500 - 2000 số hóa đơn). Số lượng hóa đơn xóa bỏ lớn, bình quân chiếm khoảng 20% số hóa đơn sử dụng.
- …
Người mua có thể tham khảo các dấu hiệu doanh nghiệp có rủi ro về thuế, hóa đơn tại Phụ lục ban hành kèm theo Công văn Số: 1873/TCT-TTKT ngày 1/6/2022 để tránh hóa đơn có rủi ro về thuế.
>> Tham khảo: Mẫu hóa đơn 01GTKT0/001 là gì?
2. Hóa đơn rủi ro về thuế có được kê khai thuế giá trị gia tăng hay không?
Doanh nghiệp được kê khai hóa đơn rủi ro về thuế nếu có cam kết.
Trên thực tế, không ít hóa đơn rủi ro về thuế được kê khai giá trị gia tăng (GTGT).
Tuy nhiên, điều này không được khuyến khích do doanh nghiệp có thể bị phạt nếu phát hiện hóa đơn kê khai là hóa đơn khống hoặc thuộc trường hợp vi phạm quy định về hóa đơn khác.
Cụ thể, Công văn 1873/TCT-TTKT của Tổng cục thuế hướng dẫn đối với hóa đơn bị cảnh báo rủi ro về thuế như sau:
“Đối với những hóa đơn phục vụ cho việc khấu trừ, hoàn thuế GTGT, qua thanh tra, kiểm tra nếu phát hiện NNT có sử dụng đầu vào trực tiếp của doanh nghiệp có dấu hiệu mua bán hóa đơn không hợp pháp nhưng chưa có kết luận chính thức của cơ quan thuế hoặc cơ quan chức năng thì: Cơ quan thuế thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp biết để kê khai điều chỉnh thuế GTGT, điều chỉnh hồ sơ hoàn thuế. Nếu doanh nghiệp vẫn khẳng định các việc mua bán hàng hóa gắn liền với hóa đơn GTGT đầu vào là có thực và đúng quy định thì doanh nghiệp phải cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về hồ sơ kê khai, hoàn thuế của mình. Đồng thời, cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp phải phối hợp với cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp có dấu hiệu mua bán hóa đơn không hợp pháp để kiểm tra hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp này nhằm xác minh, kết luận hành vi vi phạm của doanh nghiệp liên quan đến các hóa đơn (nếu có).”
Theo hướng dẫn trên thì: hóa đơn có rủi ro về thuế vẫn có thể được kê khai thuế GTGT, nhưng doanh nghiệp phải có cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về hồ sơ kê khai, hoàn thuế của mình.
Trường hợp sử dụng hóa đơn không hợp pháp (hóa đơn khống) để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 28, Nghị định 125/2020/NĐ-CP, mức phạt có thể lên tới 50 triệu đồng.
>> Tham khảo: Hóa đơn do Cục Thuế đặt in theo Thông tư 78/2021/TT-BTC.
3. Hậu quả và cách phòng tránh trường hợp hóa đơn rủi ro về thuế
Việc sử dụng hóa đơn đúng cách không chỉ đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật mà còn đảm bảo tính chính xác và minh bạch trong các giao dịch.
3.1. Hậu quả của việc sử dụng hóa đơn rủi ro về thuế
Sử dụng hóa đơn không hợp lệ là hành vi vi phạm pháp luật và tiềm ẩn nhiều rủi ro, mang lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho cả doanh nghiệp và cá nhân.
Hậu quả của việc sử dụng hóa đơn rủi ro về thuế có thể là:
- Bị phạt hành chính: doanh nghiệp có thể bị phạt với mức phạt cao (tùy theo mức độ vi phạm).
- Không được khấu trừ thuế GTGT: khi hóa đơn được xác định là hóa đơn không hợp lệ hoặc hóa đơn khống sẽ không được khấu trừ thuế và buộc phải thực điện điều chỉnh lại kê khai thuế.
- Bị truy thu thuế: nếu cơ quan thuế phát hiện doanh nghiệp sử dụng hóa đơn khống để trốn thuế, doanh nghiệp sẽ bị truy thu số thuế đã trốn và phải chịu lãi phạt.
- Ảnh hưởng đến uy tín: sử dụng hóa đơn không hợp lệ sẽ làm giảm uy tín của doanh nghiệp trong mắt đối tác và khách hàng.
- Bị cơ quan thuế để ý: doanh nghiệp sẽ bị kiểm tra, thanh tra thường xuyên về việc sử dụng hóa đơn, chứng từ.
- Rủi ro hình sự: trong trường hợp nghiêm trọng (khai khống hóa đơn để gian lận thuế), người có liên quan đến việc sử dụng hóa đơn khống có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hậu quả và cách phòng tránh hóa đơn rủi ro về thuế.
3.2. Cách phòng tránh hóa đơn rủi ro về thuế
Để tránh việc sử dụng hoặc gặp phải các hóa đơn có rủi ro về thuế doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm túc các điều sau:
- Kiểm tra kỹ thông tin trên hóa đơn: trước khi ký nhận hóa đơn, cần kiểm tra kỹ các thông tin như tên hàng hóa, số lượng, đơn giá, mã số thuế...
- Lựa chọn đối tác uy tín: lựa chọn các đối tác uy tín không có rủi ro về thuế để hợp tác.
- Sử dụng phần mềm hoá đơn điện tử: sử dụng phần mềm hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp quản lý hóa đơn thuận lợi, giảm thiểu sai sót khi lập xuất và tránh rủi ro giả mạo chữ ký....
- Lưu trữ hóa đơn cẩn thận: bảo quản hóa đơn đầy đủ, có hệ thống để phục vụ cho công tác kiểm tra, thanh tra khi cần thiết.
- Nắm rõ các quy định về hóa đơn: tìm hiểu về quy định pháp luật về hóa đơn, chứng từ. Bên cạnh đó, cập nhật các quy định mới liên quan đến hóa đơn để đảm bảo tuân thủ đúng quy định.
Trên đây là các trường hợp hóa đơn rủi ro về thuế, cách nhận biết và lưu ý cho doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần hết sức cẩn trọng trong việc lựa chọn và sử dụng hóa đơn, tránh bị phạt tiền và ảnh hưởng đến uy tín.
Đồng thời, tham khảo ý kiến của các chuyên gia kế toán, luật sư để được tư vấn cụ thể về các vấn đề liên quan đến hóa đơn và thuế.
Quý doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu về phần mềm hóa đơn điện tử E-invoice, vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn:
CÔNG TY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÁI SƠN
- Địa chỉ: Số 15 Đặng Thùy Trâm – Cầu Giấy – Hà Nội
- Tổng đài HTKH: 1900 4767 – 1900 4768
- Tel : 024.37545222
- Fax: 024.37545223
- Website: https://einvoice.vn/