Trang chủ Tin tức Chia nhỏ hóa đơn để thanh toán tiền mặt dưới 5 triệu có được khấu trừ thuế GTGT?

Chia nhỏ hóa đơn để thanh toán tiền mặt dưới 5 triệu có được khấu trừ thuế GTGT?

Bởi: Einvoice.vn - 24/07/2025 Lượt xem: 469

Theo Nghị định 181/2025/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/7/2025, hóa đơn từ 5 triệu đồng trở lên chỉ được khấu trừ thuế GTGT khi thanh toán không dùng tiền mặt. Trong quá trình áp dụng quy định này, nhiều doanh nghiệp và hộ kinh doanh băn khoăn liệu việc chia nhỏ hóa đơn dưới 5 triệu đồng để thanh toán tiền mặt có đáp ứng điều kiện khấu trừ hay không. Để xác minh điều này, doanh nghiệp cần nắm được bản chất nghiệp vụ kinh tế và các quy định pháp luật thuế hiện hành.

Mục Lục

1. Từ 01/7/2025, mua hàng từ 5 triệu phải chuyển khoản mới được khấu trừ thuế GTGT

2. Chia nhỏ hóa đơn để thanh toán tiền mặt dưới 5 triệu có được khấu trừ không?

3. Chia nhỏ hóa đơn để thanh toán tiền mặt dưới 5 triệu nhằm được khấu trừ thuế có bị phạt không?

1. Từ 01/7/2025, mua hàng từ 5 triệu phải chuyển khoản mới được khấu trừ thuế GTGT

Khấu trừ thuế GTGT

Căn cứ theo Điểm b, Khoản 2, Điều 14, Luật Thuế GTGT năm 2024 được hướng dẫn bởi Khoản 2, Điều 26, Nghị định 181/2025/NĐ-CP quy định:

"Điều 26. Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt

Cơ sở kinh doanh phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu) từ 05 triệu đồng trở lên đã bao gồm thuế giá trị gia tăng.Trong đó:

1. Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt là chứng từ chứng minh việc thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, trừ các chứng từ bên mua nộp tiền mặt vào tài khoản của bên bán…”

Mặt khác, tại Khoản 3, Điều 3, Nghị định 152/2024/NĐ-CP quy định về các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt là các công cụ thanh toán được phát hành bởi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, công ty tài chính được cấp phép phát hành thẻ tín dụng, hoặc tổ chức trung gian cung ứng dịch vụ ví điện tử.

Các phương tiện này được người sử dụng dùng để thực hiện giao dịch thanh toán và bao gồm:

- Séc.

- Lệnh chi, ủy nhiệm chi.

- Nhờ thu, ủy nhiệm thu.

- Thẻ ngân hàng (gồm thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, thẻ trả trước).

- Ví điện tử.

- Các phương tiện thanh toán hợp pháp khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Như vậy, từ ngày 01/7/2025, đối với hàng hóa, dịch vụ có giá trị từ 5 triệu đồng trở lên, nếu muốn được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, người nộp thuế phải sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, trừ một số trường hợp đặc biệt được nêu tại Điểm b, Khoản 2, Điều 14, Luật Thuế GTGT 2024 và Khoản 2, Điều 26, Nghị định 181/2025/NĐ-CP.

So với quy định cũ, vốn chỉ yêu cầu thanh toán không dùng tiền mặt đối với hóa đơn có giá trị trên 20 triệu đồng, quy định mới đã giảm ngưỡng xuống còn 5 triệu đồng, đồng thời mở rộng phạm vi bắt buộc áp dụng, đòi hỏi doanh nghiệp và hộ kinh doanh cần đặc biệt lưu ý để tránh mất quyền khấu trừ thuế.

Tham khảo thêm quy định về hóa đơn từ 5 triệu đồng trở lên chỉ được khấu trừ thuế GTGT khi thanh toán không dùng tiền mặt: Tại Đây.

2. Chia nhỏ hóa đơn để thanh toán tiền mặt dưới 5 triệu có được khấu trừ không?

Chia nhỏ hóa đơn để thanh toán tiền mặt

Với quy định mới từ ngày 01/7/2025, hóa đơn đầu vào có giá trị từ 5 triệu đồng trở lên bắt buộc phải thanh toán không dùng tiền mặt mới đủ điều kiện khấu trừ thuế GTGT, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh băn khoăn về vấn đề: Có thể chia nhỏ giao dịch thành nhiều hóa đơn dưới 5 triệu để thanh toán tiền mặt và vẫn được khấu trừ thuế không?

Người nộp thuế cần xác định bản chất nghiệp vụ hóa đơn căn cứ theo một số quy định sau:

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 9, Nghị định 123/2020/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Khoản 3, Điều 1, Nghị định 70/2025/NĐ-CP): Thời điểm lập hóa đơn đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa.”

Như vậy, nếu chỉ một lần chuyển giao hàng hóa, dịch vụ thì dù doanh nghiệp tách thành các hóa đơn nhỏ dưới 5 triệu đồng, xét về bản chất vẫn là một lần mua hàng.

Một lần mua hàng, giao hàng => Một lần lập hóa đơn => Tổng giá trị đơn hàng phải xét đến để áp dụng điều kiện thanh toán.

Mặt khác, theo Cục thuế, việc điều chỉnh giảm ngưỡng từ 20 triệu đồng xuống 5 triệu đồng nhằm minh bạch hóa các giao dịch có trị giá lớn. Trước đây, giao dịch từ 20 triệu đồng trở lên mới cần chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, cơ quan chức năng đã phát hiện một số trường hợp chia nhỏ giao dịch lớn thành nhiều khoản dưới mức quy định để được khấu trừ thuế.

Thay đổi này không làm khác đi bản chất của quy định mà chỉ giảm mức giới hạn. "Mỗi giao dịch phát sinh từ 5 triệu đồng trở lên thì người thực hiện giao dịch phải chuyển khoản. Đây là điểm mấu chốt của sự thay đổi này". (Ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế cho biết tại buổi họp báo thường kỳ quý II do Bộ Tài chính tổ chức).

Do đó, doanh nghiệp và hộ kinh doanh cần tuyệt đối tuân thủ bản chất giao dịch, tránh chia nhỏ hóa đơn để lách quy định, nhằm đảm bảo quyền lợi thuế và tránh rủi ro về mặt pháp lý.

3. Chia nhỏ hóa đơn để thanh toán tiền mặt dưới 5 triệu nhằm được khấu trừ thuế có bị phạt không?

Quy định mức phạt khi chia nhỏ hóa đơn

Theo các phân tích ở mục trên, nghĩa vụ thuế phát sinh trên tổng giá trị hàng hóa tại thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa cho người mua. Bên bán cần xuất hóa đơn căn cứ tổng giá trị hàng hóa tại thời điểm này.

=> Việc chia nhỏ hóa đơn thành các khoản nhỏ dưới 5 triệu đồng để thanh toán tiền mặt sẽ gây rủi ro cho cả bên bán và bên mua.

Cụ thể, theo quy định Điều 24 và Điều 28, Nghị định 125/2020/NĐ-CP được bổ sung bởi Khoản 3, Điều 1, Nghị định 102/2021/NĐ-CP, hành vi này có thể bị liệt kê vào xuất hóa đơn không đúng thời điểm:

- Bên bán có thể bị phạt:

+ Phạt hành vi xuất hóa đơn không đúng thời điểm, mức phạt từ 4-8 triệu đồng.

+ Phạt từ 20 - 50 triệu đồng: Nếu bên bán có hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, lập hóa đơn khống để trục lợi.

+ Trường hợp bên bán vi phạm nhiều lần có thể đối diện với hành vi tăng nặng và bị phạt ở mức cao nhất của khung hình phạt.

- Bên mua sẽ không được khấu trừ thuế VAT và không được tính vào chi phí của tổng các hóa đơn chia nhỏ.

Tóm lại, từ ngày 01/7/2025, mọi giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ từ 5 triệu đồng trở lên nếu không thanh toán qua hình thức không dùng tiền mặt sẽ không đủ điều kiện khấu trừ thuế GTGT. Việc cố tình chia nhỏ hóa đơn để né chuyển khoản không chỉ bị xử phạt hành chính mà còn khiến doanh nghiệp mất quyền khấu trừ và tính chi phí hợp lý. Doanh nghiệp và hộ kinh doanh cần cẩn trọng khi lập hóa đơn, thanh toán để tránh rủi ro thuế không đáng có.

Dương Thúy.