Trang chủ Tin tức Hướng dẫn cách tính thuế GTGT mới nhất

Hướng dẫn cách tính thuế GTGT mới nhất

Bởi: Einvoice.vn - 09/09/2024 Lượt xem: 7188 Cỡ chữ

Có hai cách tính thuế GTGT mà các đơn vị, doanh nghiệp có thể áp dụng, tùy thuộc vào đặc điểm của doanh nghiệp mà kế toán áp dụng phương pháp tính thuế phù hợp. Bài viết này sẽ chia sẻ chi tiết cách tính thuế GTGT và đối tượng áp dụng mà kế toán cần nắm được.

 

Thuế GTGT

Cách tính thuế GTGT mới nhất.

 

1. Thuế GTGT là gì?

 

Thuế giá trị gia tăng (GTGT) là một loại thuế gián thu, thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng trên lãnh thổ Việt Nam. Theo đó xác định:

 

(1) Đối tượng chịu thuế GTGT: là hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài), trừ các đối tượng không chịu thuế GTGT hướng dẫn tại Điều 4, Thông tư 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013.

 

(2) Người chịu thuế GTGT: là tổ chức, cá nhân tiêu dùng cuối cùng hàng hóa, dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam thông qua việc mua hàng hóa, dịch vụ với giá đã bao gồm thuế GTGT.

 

(3) Người kê khai và nộp thuế: Căn cứ theo quy định tại Điều 3, Thông tư 219/2013/TT-BTC thì người nộp thuế GTGT gồm:

 

- Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT ở Việt Nam, không phân biệt ngành nghề, hình thức, tổ chức kinh doanh (sau đây gọi là cơ sở kinh doanh).

 

- Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa, mua dịch vụ từ nước ngoài chịu thuế GTGT (sau đây gọi là người nhập khẩu).

 

>> Tham khảo: Lệch tiền thuế GTGT trên hóa đơn xử lý thế nào?

 

2. Căn cứ tính thuế GTGT

 

Căn cứ tính thuế giá trị gia tăng là giá tính thuế và thuế suất. Trong đó:

 

(1) Giá tính thuế

 

Căn cứ theo Điều 7, Thông tư 219/2013/TT-BTC giá tính thuế được xác định như sau:

 

Giá tính thuế:

 

- Là giá bán chưa có thuế GTGT: áp dụng với hàng hóa, dịch vụ do cơ sở sản xuất, kinh doanh bán ra.

 

- Là giá bán đã có thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng chưa có thuế GTGT: Áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là. 

 

- Là giá bán đã có thuế bảo vệ môi trường nhưng chưa có thuế GTGT: áp dụng với hàng hóa chịu thuế bảo vệ môi trường.

 

- Là giá bán đã có thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường nhưng chưa có thuế GTGT: áp dụng với hàng hóa vừa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, vừa chịu thuế bảo vệ môi trường.

 

- Là giá nhập tại cửa khẩu cộng (+) với thuế nhập khẩu (nếu có), cộng (+) với thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), cộng (+) với thuế bảo vệ môi trường (nếu có): Áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu (nếu hàng hóa nhập khẩu được miễn, giảm thuế nhập khẩu thì giá tính thuế GTGT là giá nhập khẩu cộng (+) với thuế nhập khẩu xác định theo mức thuế phải nộp sau khi đã được miễn, giảm).

 

>> Có thể bạn quan tâm: Hóa đơn điện tử, Báo giá hóa đơn điện tử.

 

Căn cứ tính thuế GTGT

Căn cứ tính thuế GTGT là giá tính thuế và thuế suất.

 

Lưu ý:

 

Giá tính thuế GTGT đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ (kể cả mua ngoài hoặc do cơ sở kinh doanh tự sản xuất) dùng để trao đổi, biếu, tặng, cho, trả thay lương, là giá tính thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh các hoạt động này.

 

(2) Thuế suất

 

Thuế suất thuế GTGT được quy định riêng với từng nhóm hàng, ngành hàng cụ thể. Hiện nay chính phủ áp dụng các mức thuế suất thuế GTGT 0%, 5% và 10% Được quy định tại Điều 9, Điều 10 và Điều 11 của Thông tư 219/2013/TT-BTC.

 

3. Cách tính thuế GTGT theo quy định của Pháp luật hiện hành

 

Thuế giá trị gia tăng được tính theo 2 cách: 

 

- Một là: tính theo cách khấu trừ thuế trên giá bán của sản phẩm, dịch vụ (gọi là Phương pháp khấu trừ thuế).

 

- Hai là: tính trực tiếp trên giá trị gia tăng của sản phẩm, dịch vụ (gọi là Phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng).

 

>> Tham khảo: Hướng dẫn cách hạch toán thuế GTGT được khấu trừ - phải nộp.

 

3.1. Các tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế

 

Cách tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ thuế được sử dụng căn cứ theo Điều 12, Thông tư 219/2013/TT-BTC.

 

(1) Đối tượng áp dụng

 

Phương pháp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ áp dụng đối với cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật về kế toán, hóa đơn, chứng từ bao gồm:

 

- Cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ một tỷ đồng trở lên (trừ hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp hướng dẫn tại Điều 13, Thông tư 219/2013/TT-BTC).

 

- Cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế

 

- Tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu, khí nộp thuế theo phương pháp khấu trừ do bên Việt Nam kê khai khấu trừ nộp thay.

 

>> Tham khảo: Điều kiện hoàn thuế GTGT mới nhất.

 

(2)  Các xác định thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ

 

Công thức xác định số thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ như sau:

 

Số thuế GTGT phải nộp

=

Thuế GTGT đầu ra

-

Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ

 

Trong đó:

 

- Số thuế GTGT đầu ra bằng tổng số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn GTGT.

 

- Thuế GTGT ghi trên hóa đơn GTGT bằng giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế bán ra nhân (x) với thuế suất thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ đó.

 

- Trường hợp sử dụng chứng từ ghi giá thanh toán (là giá đã có thuế GTGT) thì thuế GTGT đầu ra được xác định bằng giá thanh toán trừ (-) giá tính thuế quy định tại Khoản 12, Điều 7, Thông tư 219/2013/TT-BTC.

 

Cụ thể:

 

 

Giá tính thuế GTGT      =

 

Giá thanh toán

1 + thuế suất của hàng hóa, dịch vụ (%)

 

Các chứng từ thanh toán ghi giá thanh toán thường là tem, vé cước vận tải, vé xổ số kiến thiết...

 

3.2. Cách tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp

 

Cách tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp được nhiều đơn vị, doanh nghiệp áp dụng. Theo đó cách tính tuân thủ theo quy định tại Điều 11, Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 và các văn bản hướng dẫn liên quan khác.

 

Hướng dẫn tính thuế GTGT

Tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp.

 

(1) Đối tượng áp dụng

 

Phương pháp tính thuế GTGT trực tiếp được áp dụng cho các đối tượng quy định tại Khoản 2, Điều 13, Thông tư 219/2013/TT-BTC. Cụ thể các đối tượng bao gồm:

 

- Cơ sở kinh doanh có hoạt động mua, bán, chế tác vàng, bạc, đá quý;

 

- Doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động có doanh thu hàng năm dưới mức ngưỡng doanh thu một tỷ đồng;

 

- Doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập;

 

- Hộ, cá nhân kinh doanh;

 

- Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam không theo Luật Đầu tư; 

 

- Các tổ chức khác không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật, trừ các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ để tiến hành hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển và khai thác dầu khí;

 

- Tổ chức kinh tế khác không phải là doanh nghiệp, hợp tác xã, trừ trường hợp đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ.

 

Lưu ý:

 

Các đối tượng nói trên trừ trường hợp đăng ký tự nguyện áp dụng phương pháp khấu trừ thuế quy định tại Khoản 3, Điều 12, Thông tư 219/2013/TT-BTC.

 

>> Tham khảo: Hóa đơn đầu ra định khoản thuế GTGT như thế nào?

 

(2) Cách xác định thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp

 

Cách xác định thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng như sau:

 

A) Đối với hoạt động mua, bán, chế tác vàng bạc, đá quý

 

Số thuế GTGT phải nộp theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT bằng giá trị gia tăng nhân với thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với hoạt động mua, bán, chế tác vàng bạc, đá quý.

 

Thuế GTGT phải nộp

 =

 Doanh thu của hàng hóa, dịch vụ

 x

Thuế suất thuế GTGT áp dụng với mua bán, chế tác vàng bạc, đá quý

 

B) Đối với hoạt động khác

 

Số thuế GTGT phải nộp theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng bằng tỷ lệ % nhân với doanh thu.

 

Thuế GTGT phải nộp

 =

 Doanh thu của hàng hóa, dịch vụ

 x

Tỷ lệ % tính thuế GTGT (%) đối với từng hoạt động

 

Trong đó:

 

- Doanh thu của hàng hóa dịch vụ: là tổng số tiền bán hàng hóa, dịch vụ thực tế ghi trên hóa đơn bán hàng đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT bao gồm các khoản phụ thu, phí thu thêm mà cơ sở kinh doanh được hưởng

 

- Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu được quy định theo từng hoạt động như sau:

 

+ Đối với phân phối, cung cấp hàng hóa: 1%;

 

+ Đối với dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 5%;

 

+ Đối với sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 3%;

 

+ Đối với hoạt động kinh doanh khác: 2%.

 

Lưu ý: Nếu cơ sở kinh doanh có doanh thu bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và doanh thu hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu thì không áp dụng tỷ lệ (%) trên doanh thu đối với doanh thu này.

 

Bảng danh mục ngành nghề tính thuế GTGT theo tỷ lệ % trên doanh thu được ban hành kèm theo Thông tư 219/2013/TT-BTC.

 

4. Lưu ý khi tính thuế GTGT

 

Khi tính thuế GTGT cần phải thực hiện một cách cẩn thận, tuân thủ các quy định và nguyên tắc tính thuế. 

 

Những lưu ý khi tính thuế GTGT

Một số lưu ý khi tính thuế GTGT.

 

Cụ thể một vài điểm chính doanh nghiệp, đơn vị cần lưu ý như sau:

 

(1)  Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc tính thuế GTGT

 

Có 3 yếu tố chính ảnh hưởng đến việc tính thuế GTGT gồm:

 

- Loại hàng hóa, dịch vụ: Mỗi loại hàng hóa, dịch vụ sẽ có mức thuế suất GTGT khác nhau.

 

- Đối tượng nộp thuế: Tùy thuộc vào đối tượng nộp thuế (doanh nghiệp, cá nhân) mà có những quy định khác nhau về việc tính toán và nộp thuế.

 

- Chính sách thuế: Chính sách thuế GTGT có thể thay đổi theo thời gian, do đó doanh nghiệp cần cập nhật thông tin thường xuyên.

 

(2) Kinh doanh nhiều ngành nghề

 

Rất nhiều cơ sở kinh doanh nhiều ngành nghề có mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu khác nhau phải khai thuế GTGT theo từng nhóm ngành nghề tương ứng với các mức tỷ lệ theo quy định.

 

Trong trường hợp không xác định được doanh thu theo từng nhóm ngành nghề hoặc trong một hợp đồng kinh doanh trọn gói bao gồm các hoạt động tại nhiều nhóm tỷ lệ khác nhau mà không tách được thì sẽ áp dụng mức tỷ lệ cao nhất của nhóm ngành nghề mà cơ sở sản xuất, kinh doanh.

 

Hiểu rõ cách tính thuế GTGT là một trong những yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp quản lý tài chính hiệu quả và tuân thủ pháp luật. Bài viết này đã cung cấp những kiến thức cơ bản về thuế GTGT, hy vọng sẽ giúp bạn giải đáp được những thắc mắc.

 

(3) Hóa đơn ghi giá thanh toán

 

Trường hợp hóa đơn chỉ ghi giá thanh toán (trừ trường hợp được phép dùng chứng từ đặc thù), không ghi giá chưa có thuế và thuế GTGT thì thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra phải tính trên giá thanh toán ghi trên hóa đơn, chứng từ.

 

(4) Chưa chắc chắn về việc tính thuế GTGT

 

Nếu chưa chắc chắn về cách tính thuế GTGT nên liên hệ với người có nhiều kinh nghiệm để được tư vấn chi tiết hơn hoặc liên hệ với cơ quan thuế nơi trực tiếp quản lý để được hướng dẫn.

 

Trên đây là hai cách tính thuế GTGT được áp dụng hiện nay. Nắm rõ cách tính thuế GTGT sẽ giúp kế toán thuận lợi làm sổ sách và hạch toán, tránh các rủi ro dẫn đến nộp sai tiền thuế hoặc ảnh hưởng đến việc ra quyết định kinh doanh của các nhà quản trị.

 

Ngoài ra, quý doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu về phần mềm hóa đơn điện tử E-invoice, vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn:

 

CÔNG TY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÁI SƠN