Tuân thủ 7 nguyên tắc lập báo cáo tài chính
Đối với các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện chế độ kế toán bắt buộc phải lập báo cáo tài chính. Theo đó, doanh nghiệp bắt buộc phải tuân thủ 7 nguyên tắc lập báo cáo tài chính được quy định tại Thông tư 200/2014/TT-BTC của Bộ tài chính.
Nguyên tắc lập báo cáo tài chính.
1. Báo cáo tài chính là gì? Mục đích của báo cáo tài chính
Báo cáo tài chính được nhắc đến rất nhiều đặc biệt vào cuối năm. Việc nắm rõ nguyên tắc lập báo cáo tài chính giúp kế toán hoàn thành tốt nghiệp vụ của mình. Tuy nhiên việc đầu tiên phải hiểu rõ báo cáo tài chính là gì, mục đích của báo cáo tài chính.
1.1. Báo cáo tài chính là gì?
Báo cáo tài chính là hệ thống thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán, được trình bày theo mẫu biểu quy định tại chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán. (theo Khoản 1, Điều 3, Luật Kế toán số 88/2015/QH13).
Hệ thống báo cáo tài chính của doanh nghiệp bao gồm Báo cáo tài chính năm và Báo cáo tài chính giữa niên độ. Hệ thống Báo cáo tài chính năm được áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp thuộc các ngành và các thành phần kinh tế.
Báo cáo tài chính năm gồm:
- Bảng cân đối kế toán (Mẫu số B 01 - DN).
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh (Mẫu số B 02 - DN).
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ (Mẫu số B 03 - DN).
- Bản thuyết minh Báo cáo tài chính (Mẫu số B09 - DN).
Báo cáo tài chính giữa niên độ gồm Báo cáo tài chính quý và Báo cáo tài chính bán niên.
>> Tham khảo: Công ty mẹ được miễn không nộp báo cáo tài chính hợp nhất khi nào?
Báo cáo tài chính giữa niên độ áp dụng cho doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ hoặc nắm giữ cổ phần chi phối, hoặc áp dụng cho đơn vị có lợi ích công chúng, các doanh nghiệp không thuộc đối tượng trên được khuyến khích lập Báo cáo tài chính giữa niên độ.
Báo cáo tài chính giữa niên độ dạng đầy đủ, gồm:
- Bảng cân đối kế toán giữa niên độ (Mẫu số B01a – DN).
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh giữa niên độ (Mẫu số B02a – DN).
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ giữa niên độ (Mẫu số B 03a – DN).
- Bản thuyết minh Báo cáo tài chính chọn lọc (Mẫu số B09a – DN).
Báo cáo tài chính giữa niên độ dạng tóm lược, gồm:
- Bảng cân đối kế toán giữa niên độ (Mẫu số B01b – DN).
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh giữa niên độ (Mẫu số B02b – DN).
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ giữa niên độ (Mẫu số B03b – DN).
- Bản thuyết minh Báo cáo tài chính chọn lọc (Mẫu số B09a – DN).
>> Tham khảo: Hướng dẫn lập báo cáo tài chính không phát sinh doanh thu.
1.2. Mục đích của báo cáo tài chính
Mục đích của báo cáo tài chính dùng để:
- Cung cấp thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp
- Cung cấp thông tin về các luồng tiền của một doanh nghiệp
- Cung cấp thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý của chủ doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước và nhu cầu hữu ích của những người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định kinh tế.
Báo cáo tài chính phải cung cấp những thông tin của một doanh nghiệp về: tài sản; nợ phải trả; vốn chủ sở hữu; doanh thu, thu nhập khác, chi phí sản xuất kinh doanh và chi phí khác; lãi, lỗ và phân chia kết quả kinh doanh; các luồng tiền.
Bên cạnh báo cáo tài chính doanh nghiệp phải lập kèm theo “Bản thuyết minh Báo cáo tài chính”.
Bản thuyết minh Báo cáo tài chính nhằm giải trình thêm về các chỉ tiêu đã phản ánh trên các Báo cáo tài chính tổng hợp và các chính sách kế toán đã áp dụng để ghi nhận các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập và trình bày Báo cáo tài chính.
2. Các nguyên tắc lập báo cáo tài chính
Nguyên tắc lập báo cáo tài chính được quy định tại Điều 102, Thông tư 200/2014/TT-BTC do Bộ tài chính ban hành ngày 22/12/2014. Cụ thể, 7 nguyên tắc lập báo cáo tài chính đáp ứng giả định hoạt động liên tục gồm:
2.1. Nguyên tắc chuẩn mực kế toán
Việc lập và trình bày Báo cáo tài chính phải tuân thủ các quy định tại Chuẩn mực kế toán “Trình bày Báo cáo tài chính” và các chuẩn mực kế toán khác có liên quan.
Các thông tin trọng yếu phải được giải trình để giúp người đọc hiểu đúng thực trạng tình hình tài chính của doanh nghiệp.
>> Có thể bạn quan tâm: Hóa đơn điện tử, Báo giá hóa đơn điện tử.
2.2. Phản ánh đúng bản chất kinh tế của các giao dịch
Báo cáo tài chính phải phản ánh đúng bản chất kinh tế của các giao dịch và sự kiện hơn là hình thức pháp lý của các giao dịch và sự kiện đó (tôn trọng bản chất hơn hình thức).
2.3. Nguyên tắc ghi tài sản và nợ phải trả
Kế toán tuân thủ nguyên tắc:
- Tài sản không được ghi nhận cao hơn giá trị có thể thu hồi;
- Nợ phải trả không được ghi nhận thấp hơn nghĩa vụ phải thanh toán.
Nguyên tắc ghi “Tài sản” và ghi “Nợ”.
2.4. Nguyên tắc phân loại tài sản và nợ phải trả
Khi lập báo cáo tài chính cần tuân thủ nguyên tắc phân loại tài sản và nợ phải trả.
Phân loại tài sản và nợ phải trả: Tài sản và nợ phải trả trên Bảng cân đối kế toán phải được trình bày thành ngắn hạn và dài hạn.
Trong từng phần ngắn hạn và dài hạn, các chỉ tiêu được sắp xếp theo tính thanh khoản giảm dần.
- Tài sản hoặc nợ phải trả có thời gian đáo hạn còn lại không quá 12 tháng hoặc một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường kể từ thời điểm báo cáo được phân loại là ngắn hạn.
- Những tài sản và nợ phải trả không được phân loại là ngắn hạn thì được phân loại là dài hạn.
- Khi lập Báo cáo tài chính, kế toán phải thực hiện tái phân loại tài sản và nợ phải trả được phân loại là dài hạn trong kỳ trước nhưng có thời gian đáo hạn còn lại không quá 12 tháng hoặc một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường kể từ thời điểm báo cáo thành ngắn hạn.
2.5. Trình bày riêng biệt “Tài sản” và “Nợ phải trả”
Kế toán thực hiện:
- Trình bày riêng biệt “Tài sản” và “Nợ phải trả”.
- Chỉ thực hiện bù trừ khi tài sản và nợ phải trả liên quan đến cùng một đối tượng, có vòng quay nhanh, thời gian đáo hạn ngắn, phát sinh từ các giao dịch và sự kiện cùng loại.
>> Tham khảo: Cách lập báo cáo tài chính nhà hàng ăn uống.
2.6. Nguyên tắc thận trọng
Khi kế toán trình bày các khoản mục doanh thu, thu nhập, chi phí cần trình bày theo nguyên tắc phù hợp và đảm bảo nguyên tắc thận trọng.
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ phản ánh các khoản mục doanh thu, thu nhập, chi phí và luồng tiền của kỳ báo cáo.
- Các khoản doanh thu, thu nhập, chi phí của các kỳ trước có sai sót làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và lưu chuyển tiền phải được điều chỉnh hồi tố, không điều chỉnh vào kỳ báo cáo.
2.7. Nguyên tắc loại trừ
Khi lập Báo cáo tài chính tổng hợp giữa doanh nghiệp và các đơn vị cấp dưới không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc cần phải được loại trừ:
- Số dư các khoản mục nội bộ của Bảng cân đối kế toán được coi là chưa thực hiện phát sinh từ các giao dịch nội bộ.
- Các khoản doanh thu, chi phí, lãi, lỗ được coi là chưa thực hiện phát sinh từ các giao dịch nội bộ.
Trên đây là 7 nguyên tắc lập báo cáo tài chính mà kế toán cần tuân thủ.
>> Tham khảo: Hướng dẫn cách lập báo cáo tài chính excel chi tiết nhất.
Việc kế toán không tuân thủ 1 trong 7 nguyên tắc trên đều sẽ dẫn đến việc báo cáo tài chính không hợp lệ, doanh nghiệp có thể bị phạt hoặc gặp các rủi ro khác.
Trường hợp kế toán mới, chưa rõ nguyên tắc lập báo cáo tài chính nên nhờ tới sự hỗ trợ của các kế toán có nhiều kinh nghiệm.
Quý doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu về phần mềm hóa đơn điện tử E-invoice, vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn:
CÔNG TY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÁI SƠN
- Địa chỉ: Số 15 Đặng Thùy Trâm – Cầu Giấy – Hà Nội
- Tổng đài HTKH: 1900 4767 – 1900 4768
- Tel : 024.37545222
- Fax: 024.37545223
- Website: https://einvoice.vn/