Trang chủ Tin tức Mức phạt chậm xuất hóa đơn theo quy định hiện hành

Mức phạt chậm xuất hóa đơn theo quy định hiện hành

Bởi: Einvoice.vn - 17/12/2024 Lượt xem: 343 Cỡ chữ

Hóa đơn là căn cứ quan trọng chứng minh hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ. Chậm xuất hóa đơn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động quản lý hóa đơn, chứng từ và công tác quản lý thuế. Tùy vào mức vi phạm khác nhau doanh nghiệp có thể chịu mức phạt hành chính khác nhau. Vậy, mức phạt chậm xuất hóa đơn theo quy định hiện hành là bao nhiêu?

 

Quy định mức phạt chậm xuất hóa đơn

Mức phạt chậm xuất hóa đơn.

 

1. Căn cứ pháp lý phạt chậm xuất hóa đơn

 

Hóa đơn là chứng từ kế toán do tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Hóa đơn được lập theo quy định của pháp luật dưới dạng hóa đơn điện tử hoặc hóa đơn do cơ quan thuế đặt in.

 

Hiện nay, việc phạt chậm xuất hóa đơn được thực hiện căn cứ theo các văn bản pháp lý bao gồm:

 

- Nghị định 123/2020/NĐ-CP ban hành ngày ngày 19/10/2020 quy định về quản lý hóa đơn, chứng từ.

 

- Nghị định 125/2020/NĐ-CP ban hành ngày 19/10/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn.

 

- Nghị định 102/2021/NĐ-CP ban hành ngày 16/11/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập.

 

>> Có thể bạn quan tâm: Báo giá hóa đơn điện tử.

 

2. Mức phạt chậm xuất hóa đơn

 

Chậm xuất hóa đơn, chứng từ được hiểu là việc người bán xuất hóa đơn sau thời điểm quy định của pháp luật về thời điểm xuất hóa đơn, chứng từ. Chậm xuất hóa đơn, chứng từ ảnh hưởng đến việc kê khai thuế và tính minh bạch của hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ.

 

Xuất hóa đơn điện tử

Thời điểm xuất hóa đơn.

 

2.1. Quy định về thời điểm xuất hóa đơn, chứng từ

 

Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải xuất hóa đơn giao cho người mua. Căn cứ theo Điều 9, Nghị định 123/2020/NĐ-CP thời điểm xuất hóa đơn (lập hóa đơn) được quy định như sau:

 

- Thời điểm xuất hóa đơn đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

 

- Thời điểm xuất hóa đơn đối với cung cấp dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung cấp dịch vụ không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

 

Nếu người cung cấp dịch vụ có thu tiền trước hoặc trong khi cung cấp dịch vụ thì thời điểm xuất hóa đơn là thời điểm thu tiền.

 

Không bao gồm trường hợp thu tiền đặt cọc hoặc tạm ứng để đảm bảo thực hiện hợp đồng cung cấp các dịch vụ: kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính, thuế; thẩm định giá; khảo sát, thiết kế kỹ thuật; tư vấn giám sát; lập dự án đầu tư xây dựng.

 

- Đối với trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải xuất hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng.

 

Trong một số trường hợp cụ thể, thời điểm xuất hóa đơn được quy định tại Khoản 4, Điều 9, Nghị định 123/2020/NĐ-CP. Người bán cần nắm rõ để đảm bảo xuất hóa đơn đúng thời điểm quy định.

 

2.2. Mức phạt chậm xuất hóa đơn 

 

Căn cứ theo Điều 24, Nghị định 125/2020/NĐ-CP được bổ sung bởi Khoản 3, Điều 1, Nghị định 102/2021/NĐ-CP mức phạt chậm xuất hóa đơn theo quy định hiện hành như sau:

 

(1) Phạt cảnh cáo: Áp dụng đối với trường hợp xuất hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế và có tình tiết giảm nhẹ.

 

(2) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng: Áp dụng đối với hành vi xuất hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế (trừ trường hợp quy định tại (1)).

 

(3) Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng: Áp dụng đối với một trong các hành vi xuất hóa đơn không đúng thời điểm theo quy định của pháp luật về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ (trừ trường hợp quy định tại (1) và (2)).

 

Trường hợp người bán không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

 

Lưu ý: Trên đây là mức phạt đối với cá nhân, trường hợp đơn vị, tổ chức vi phạm bị phạt gấp đôi mức phạt quy định nêu trên.

 

>> Tham khảo: Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về thời điểm lập hóa đơn thế nào?

 

3. Thời hiệu xử phạt vi phạm chậm xuất hóa đơn 

 

Theo Khoản 1, Điều 8, Nghị định 125/2020/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại Khoản 1, Điều 1, Nghị định 102/2021/NĐ-CP quy định như sau:

 

“1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn

 

a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn là 02 năm.

 

b) Thời điểm tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn được quy định như sau:

 

Đối với hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện quy định tại điểm c khoản này thì thời hiệu được tính từ ngày người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm.

 

Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc quy định tại điểm d khoản này thì thời hiệu được tính từ ngày chấm dứt hành vi vi phạm.”

 

Như vậy, thời hiệu xử phạt đối với hành vi chậm xuất hóa đơn là 02 năm, thời điểm tính thời hiệu xử phạt là từ ngày người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi chậm xuất hóa đơn.

 

>> Tham khảo: Những lưu ý khi xuất hóa đơn điện tử cho khách lẻ không lấy hóa đơn.

 

4. Lưu ý tránh bị phạt chậm xuất hóa đơn

 

Để tránh việc bị phạt chậm xuất hóa đơn, người lập hóa đơn cần lưu ý các điểm như sau: 

 

- Nắm rõ thời điểm xuất hóa đơn theo quy định của Pháp luật hiện hành.

 

- Lưu ý thời điểm xuất hóa đơn của các trường hợp cụ thể được quy định riêng tại Khoản 4, Điều 9, Nghị định 123/2020/NĐ-CP.

 

- Chuẩn bị sẵn các mẫu hóa đơn bán hàng và trang thiết bị để lập hóa đơn thuận lợi.

 

- Lưu trữ hóa đơn đầy đủ đầy đủ, chính xác và bảo quản tốt.

 

- Kiểm tra lại kỹ các thông tin trên hóa đơn để tránh sai sót trước khi gửi cho khách hàng.

 

- Cập nhật thường xuyên các quy định mới nhất về quản lý hóa đơn, chứng từ.

 

Có thể thấy, mức phạt chậm xuất hóa đơn theo quy định hiện hành là không nhỏ. Việc tuân thủ đúng các quy định về hóa đơn không chỉ giúp doanh nghiệp tránh bị phạt mà còn góp phần giúp việc nộp thuế được thuận lợi.

 

Các quy định về hóa đơn có thể thay đổi theo thời gian, do đó cá nhân và doanh nghiệp nên cập nhập liên tục để đảm bảo thực hiện tốt vai trò quản lý hóa đơn, chứng từ của mình.

 

Quý doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu về phần mềm hóa đơn điện tử E-invoice, vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn:

 

CÔNG TY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÁI SƠN

  • Địa chỉ: Số 15 Đặng Thùy Trâm – Cầu Giấy – Hà Nội
  • Tổng đài HTKH: 1900 4767 – 1900 4768
  • Tel : 024.37545222
  • Fax: 024.37545223
  • Website: https://einvoice.vn/