Trang chủ Tin tức Bút toán hạch toán thuế TNDN chi tiết

Bút toán hạch toán thuế TNDN chi tiết

Bởi: Einvoice.vn - 20/05/2024 Lượt xem: 25705 Cỡ chữ

Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là chỉ tiêu quan trọng phản ánh tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Hạch toán thuế TNDN đúng cách không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định pháp luật mà còn đảm bảo tính minh bạch và chính xác của sổ sách kế toán. Dưới đây là hướng dẫn bút toán hạch toán thuế TNDN chi tiết, đầy đủ nhất.

 

Bút toán thuế TNDN

Bút toán hạch toán thuế TNDN chi tiết.

 

1. Căn cứ pháp lý thực hiện bút toán hạch toán thuế TNDN

 

Thuế thu nhập doanh nghiệp là một loại thuế trực thu, đánh trực tiếp vào khoản thu nhập doanh nghiệp phải chịu thuế. Trong đó thu nhập chịu thuế gồm thu nhập từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, hoặc dịch vụ, các thu nhập khác theo quy định của pháp luật.

 

Theo quy định, doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện hạch toán thuế TNDN vào mỗi kỳ kế toán tuy nhiên đối với kế toán mới việc hạch toán sẽ có thể gặp nhiều khó khăn. Căn cứ thực hiện bút toán hạch toán thuế TNDN gồm:

 

- Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 - Hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp.

- Nghị định số 21/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.

- Các văn bản pháp lý liên quan khác.

 

>> Tham khảo: Mẫu tờ khai quyết toán thuế TNDN.

2. Bút toán hạch toán thuế TNDN

Để thực hiện bút toán hạch toán thuế TNDN kế toán sử dụng tài khoản 821 - Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp. Căn cứ theo hướng dẫn tại Điều 95, Thông tư 200/2014/TT-BTC để hạch toán.

2.1. Nguyên tắc kế toán chung: tài khoản 821 - Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp

 

Tài khoản 821 dùng để phản ánh chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp bao gồm:

 

- Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành: là số thuế TNDN phải nộp tính trên thu nhập chịu thuế trong năm và thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.

- Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại phát sinh trong năm: là số thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ phải nộp trong tương lai phát sinh từ việc ghi nhận thuế thu nhập hoãn lại phải trả trong năm và hoàn nhập tài sản thuế thu nhập hoãn lại đã được ghi nhận từ các năm trước.

 

Chi phí thuế TNDN dùng làm căn cứ xác định kết quả hoạt động kinh doanh sau thuế của doanh nghiệp trong năm tài chính hiện hành. 

 

Ngoài ra, thu nhập thuế TNDN hoãn lại là khoản ghi giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại phát sinh từ việc:

 

- Ghi nhận tài sản thuế thu nhập hoãn lại trong năm;

- Hoàn nhập thuế thu nhập hoãn lại phải trả đã được ghi nhận từ các năm trước.

 

>> Tham khảo: Kết chuyển chi phí thuế TNDN như thế nào?

2.2. Nguyên tắc kế toán chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp 

Khi thực hiện hạch toán thuế TNDN cần lưu ý có 2 nguyên tắc kế toán thuế TNDN hiện hành và nguyên tắc kế toán thuế TNDN.

Kế toán thuế TNDN

Nguyên tắc kế toán chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp.

(1) Nguyên tắc kế toán chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành

 

Doanh nghiệp hạch toán chi phí thuế TNDN hiện hành cần đảm bảo:

 

- Hàng quý, kế toán căn cứ vào tờ khai thuế TNDN để ghi nhận số thuế TNDN tạm phải nộp vào chi phí thuế TNDN hiện hành. Cuối năm tài chính, căn cứ vào tờ khai quyết toán thuế:

 

+ Nếu số thuế TNDN tạm phải nộp trong năm nhỏ hơn số phải nộp cho năm đó, kế toán ghi nhận số thuế TNDN phải nộp thêm vào chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành. 

+ Nếu số thuế TNDN tạm phải nộp trong năm lớn hơn số phải nộp của năm đó, kế toán phải ghi giảm chi phí thuế TNDN hiện hành là số chênh lệch giữa số thuế TNDN tạm phải nộp trong năm lớn hơn số phải nộp.

 

- Trường hợp phát hiện sai sót không trọng yếu liên quan đến khoản thuế TNDN phải nộp của các năm trước, doanh nghiệp được hạch toán tăng (hoặc giảm) số thuế TNDN phải nộp của các năm trước vào chi phí thuế TNDN hiện hành của năm phát hiện sai sót.

 

- Đối với các sai sót trọng yếu, kế toán điều chỉnh hồi tố theo quy định của Chuẩn mực kế toán – “Thay đổi chính sách kế toán, ước tính kế toán và các sai sót”.

 

- Khi lập Báo cáo tài chính, kế toán phải kết chuyển chi phí thuế TNDN hiện hành phát sinh vào tài khoản 911 - “Xác định kết quả kinh doanh” để xác định lợi nhuận sau thuế trong kỳ kế toán.

(2) Nguyên tắc kế toán chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại 

Khi lập Báo cáo tài chính, kế toán phải xác định chi phí thuế thu nhập hoãn lại theo quy định của Chuẩn mực kế toán “Thuế thu nhập doanh nghiệp”.

 

- Kế toán không được phản ánh vào tài khoản này tài sản thuế thu nhập hoãn lại hoặc thuế thu nhập hoãn lại phải trả phát sinh từ các giao dịch được ghi nhận trực tiếp vào vốn chủ sở hữu.

- Cuối kỳ, kế toán phải kết chuyển số chênh lệch giữa số phát sinh bên Nợ và số phát sinh bên Có TK 8212 - “Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại” vào tài khoản 911 - “Xác định kết quả kinh doanh”.

 

>> Tham khảo: Hóa đơn điện tử, Báo giá hóa đơn điện tử.

 

2.3.  Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 821 - Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp

Kết cấu và nội dung phản ánh chung như sau:

Bên Nợ

Bên Có

- Chi phí thuế TNDN hiện hành phát sinh trong năm;

- Thuế TNDN hiện hành của các năm trước phải nộp bổ sung do phát hiện sai sót không trọng yếu của các năm trước được ghi tăng chi phí TNDN hiện hành của năm hiện tại;

- Chi phí thuế TNDN hoãn lại phát sinh trong năm từ việc ghi nhận thuế thu nhập hoãn lại phải trả (là số chênh lệch giữa thuế thu nhập hoãn lại phải trả phát sinh trong năm lớn hơn thuế thu nhập hoãn lại phải trả được hoàn nhập trong năm);

- Ghi nhận chi phí thuế TNDN hoãn lại (số chênh lệch giữa tài sản thuế thu nhập hoãn lại được hoàn nhập trong năm lớn hơn tài sản thuế thu nhập hoãn lại phát sinh trong năm);

- Kết chuyển chênh lệch giữa số phát sinh bên Có TK 8212 - “Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại” lớn hơn số phát sinh bên Nợ TK 8212 - “Chi phí thuế TNDN hoãn lại” phát sinh trong kỳ vào bên Có tài khoản 911 - “Xác định kết quả kinh doanh”.

- Số thuế TNDN hiện hành thực tế phải nộp trong năm nhỏ hơn số thuế hiện hành tạm phải nộp được giảm trừ vào chi phí thuế hiện hành đã ghi nhận trong năm;

- Số thuế TNDN phải nộp được ghi giảm do phát hiện sai sót không trọng yếu của các năm trước được ghi giảm chi phí thuế TNDN hiện hành trong năm hiện tại;

- Ghi giảm chi phí thuế TNDN hoãn lại và ghi nhận tài sản thuế thu nhập hoãn lại (số chênh lệch giữa tài sản thuế thu nhập hoãn lại phát sinh trong năm lớn hơn tài sản thuế thu nhập hoãn lại được hoàn nhập trong năm);

- Ghi giảm chi phí thuế TNDN hoãn lại (số chênh lệch giữa thuế thu nhập hoãn lại phải trả được hoàn nhập trong năm lớn hơn thuế thu nhập hoãn lại phải trả phát sinh trong năm);

- Kết chuyển số chênh lệch giữa chi phí thuế TNDN hiện hành phát sinh trong năm lớn hơn khoản được ghi giảm chi phí thuế TNDN hiện hành trong năm vào tài khoản 911 - “Xác định kết quả kinh doanh”;

- Kết chuyển số chênh lệch giữa số phát sinh bên Nợ TK 8212 lớn hơn số phát sinh bên Có TK 8212 - “Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại” phát sinh trong kỳ vào bên Nợ tài khoản 911 - “Xác định kết quả kinh doanh”.

 

Lưu ý:

 

- Tài khoản 821 - “Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp” không có số dư cuối kỳ.

- Tài khoản 821- Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp có 2 tài khoản cấp 2 gồm:

+ Tài khoản 8211 - Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.

+ Tài khoản 8212 - Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại.

2.4. Bút toán hạch toán thuế TNDN 

Kế toán thực hiện bút toán thuế TNDN như sau:

 

Khi tính thuế TNDN ghi:

 

- Nợ TK 821 - Chi phí thuế TNDN;

- Có TK 3334 - Thuế thu nhập doanh nghiệp.

 

Khi nộp tiền thuế TNDN vào Ngân sách Nhà nước ghi:

 

- Nợ TK 3334 - Thuế TNDN.

- Có TK 111, 112.

 

Cuối năm, khi xác định số thuế TNDN phải nộp của năm tài chính:

 

Trường hợp số thuế TNDN thực tế phải nộp nhỏ hơn số thuế TNDN tạm nộp hàng quý trong năm, thì ghi số chênh lệch như sau:

 

- Nợ TK 3334 - Thuế TNDN.

- Có TK 821 - Chi phí thuế TNDN (8211).

 

Trường hợp số thuế TNDN thực tế phải nộp lớn hơn số thuế TNDN tạm nộp hàng quý trong năm, thì số chênh lệch phải nộp thiếu, ghi như sau:

 

- Nợ TK 821 - Chi phí thuế TNDN (8211).

- Có TK 3334 - Thuế TNDN.

 

Khi thực nộp số chênh lệch thiếu về TNDN và Ngân sách Nhà nước, ghi:

 

- Nợ TK 3334 - Thuế TNDN.

- Có TK 111, 112.

 

Cuối kỳ kế toán, kết chuyển chi phí thuế thu nhập hiện hành, ghi:

 

Nếu TK 8211 có số phát sinh nợ lớn hơn số phát sinh có thì số chênh lệch, ghi:

 

- Nợ TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh.

- Có TK 8211 (chi phí thuế TNDN hiện hành).

 

Nếu TK 8211 có số phát sinh nợ nhỏ hơn số phát sinh có thì số chênh lệch, ghi:

 

- Nợ TK 8211 - Chi phí thuế TNDN hiện hành.

- Có TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh.

>> Tham khảo: Thu nhập miễn thuế TNDN bao gồm những khoản nào?

3. Lưu ý về thời hạn thực hiện bút toán thuế TNDN

 

Thời hạn nộp tờ khai quyết toán thuế TNDN cũng là thời hạn thực hiện bút toán thuế TNDN. Cụ thể:

 

- Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 trong năm dương lịch kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính. 

- Trường hợp thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp tiền thuế trùng với ngày nghỉ theo quy định thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế, thời hạn nộp tiền thuế sẽ được tính dời vào ngày làm việc tiếp theo.

 

Hạch toán thuế TNDN

Thời hạn thực hiện hạch toán thuế TNDN.

 

Doanh nghiệp thực hiện bút toán thuế TNDN theo kỳ tính thuế. Kỳ tính thuế TNDN được xác định dựa trên năm dương lịch hoặc năm tài chính. Cụ thể:

 

- Kỳ tính thuế theo năm dương lịch được bắt đầu từ ngày 01/01 đến 31/12 của năm đó.

- Năm tài chính là năm có khoảng thời gian tương đương 12 tháng và bắt đầu từ ngày 01 đầu quý của năm đó.

 

3.1. Trường hợp đặc biệt khi xác định thời gian tính thuế: 

 

Doanh nghiệp được phép gộp thời gian tính thuế trên 12 tháng:

 

- Doanh nghiệp mới thành lập có kỳ tính thuế năm đầu tiên và doanh nghiệp có kỳ tính thuế năm cuối cùng khi chuyển đổi loại hình, hình thức sở hữu, hoặc sáp nhập, chia, tách, hợp nhất, phá sản, giải thể có thời gian ngắn hơn 3 tháng thì được cộng với kỳ tính thuế năm tiếp theo để hình thành một kỳ tính thuế TNDN. Kỳ tính thuế TNDN năm đầu tiên hoặc cuối cùng không vượt quá 15 tháng.

 

Doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam:

 

- Kỳ tính thuế TNDN theo từng lần phát sinh áp dụng đối với doanh nghiệp nước ngoài có cơ sở thường trú tại Việt Nam khi có thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam mà khoản này không liên quan đến hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp.

 

>> Tham khảo: Hướng dẫn lập tờ khai thuế TNDN.

 

4. Đối tượng áp dụng hạch toán thuế TNDN 

 

Đối tượng áp dụng hạch toán thuế TNDN là các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế.

 

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thực hiện kế toán theo Chế độ kế toán áp dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ được vận dụng quy định của Thông tư này để kế toán phù hợp với đặc điểm kinh doanh và yêu cầu quản lý của mình (theo Điều 1, Thông tư 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014).

 

Cụ thể gồm:

 

- Doanh nghiệp thành lập trong nước theo pháp luật Việt Nam;

- Doanh nghiệp nước ngoài có sơ sở thường trú hoặc không thường trú tại Việt Nam;

- Các cơ sở của doanh nghiệp nước ngoài thường trú tại Việt Nam;

- Các tổ chức hành chính sự nghiệp, hợp tác xã;

- Các tổ chức khác.

 

Doanh nghiệp cần phải theo dõi sát sao cập nhật các quy định về thuế TNDN để áp dụng và thực hiện hạch toán thuế TNDN chính xác. Khi hạch toán thuế TNDN cần thực hiện cẩn thận, đầy đủ để đảm bảo tính minh bạch của sổ sách kế toán.

 

Thực hiện bút toán hạch toán thuế TNDN là một công việc quan trọng đối với kế toán doanh nghiệp. Để đảm bảo chính xác, nhanh chóng và ít xảy ra sai sót kế toán nên sử dụng phần mềm hóa đơn điện tử để hỗ trợ trích xuất dữ liệu, lập báo cáo.

 

Trên đây là hướng dẫn bút toán hạch toán thuế TNDN chi tiết, hy vọng bài viết cung cấp những thông tin hữu ích để các kế toán có thể hạch toán thuế TNDN thuận lợi và chính xác.

 

Ngoài ra, quý doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu về phần mềm hóa đơn điện tử E-invoice, vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn:

 

CÔNG TY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÁI SƠN