Trang chủ Tin tức Thuế GTGT bán ra: Cách tính và lưu ý cho doanh nghiệp

Thuế GTGT bán ra: Cách tính và lưu ý cho doanh nghiệp

Bởi: Einvoice.vn - 24/09/2024 Lượt xem: 2139 Cỡ chữ

Thuế GTGT bán ra được hiểu là phần thuế được tính trên giá trị hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp bán ra. Thuế GTGT bán ra được tính như thế nào? Doanh nghiệp cần lưu ý gì khi tính thuế, bài viết này sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn. 

 

Thuế GTGT bán ra

Thuế GTGT bán ra.

 

1. Thuế giá trị gia tăng bán ra là gì?

 

Thuế giá trị gia tăng (GTGT) là loại thuế gián thu, thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng (theo Điều 2, Luật Thuế giá trị gia tăng 2008).

 

Thuế GTGT bán ra hay còn gọi là GTGT đầu ra, là số thuế mà doanh nghiệp phải nộp vào ngân sách nhà nước khi bán hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng. Nói cách khác, thuế GTGT bán ra là phần thuế được tính trên giá trị hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp.

 

>> Tham khảo: Hóa đơn đầu ra định khoản thuế GTGT như thế nào?

 

2. Cách tính thuế GTGT bán ra

 

Thuế giá trị gia tăng bán ra được tính căn cứ trên giá tính thuế của hàng hóa dịch vụ và thuế suất thuế GTGT của hàng hóa dịch vụ đó. 

 

2.1. Công thức tính thuế GTGT bán ra

 

Cách tính thuế GTGT bán ra như sau: Thuế GTGT ghi trên hóa đơn GTGT bằng giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế bán ra nhân (x) với thuế suất thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ đó.

 

Số thuế GTGT bán ra

của hàng hóa dịch vụ

=

Giá tính thuế của hàng hóa dịch vụ bán ra

x

Thuế suất GTGT của hàng hóa dịch vụ đó

 

Trong đó:

 

- Tổng số thuế GTGT bán ra bằng tổng số thuế GTGT của từng hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn GTGT.

 

- Giá tính thuế của hàng hóa dịch vụ là giá bán hàng hóa dịch vụ chưa bao gồm thuế GTGT.

 

- Trường hợp sử dụng chứng từ ghi giá thanh toán (là giá đã có thuế GTGT) thì thuế GTGT bán ra được xác định bằng giá thanh toán trừ (-) giá tính thuế quy định tại Khoản 12, Điều 7, Thông tư 219/2013/TT-BTC.

 

>> Có thể bạn quan tâm: Hóa đơn điện tử, Báo giá hóa đơn điện tử.

 

Cụ thể:

 

 Giá tính thuế GTGT     =

Giá thanh toán

1 + thuế suất của hàng hóa, dịch vụ (%)

 

Giá tính thuế GTGT được xác định bằng đồng Việt Nam, trong trường hợp người nộp thuế có doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ thì cần phải quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh doanh thu hàng hóa, dịch vụ.

 

2.2. Thuế suất thuế GTGT

 

Thuế suất GTGT

Thuế suất thuế GTGT bán ra tùy thuộc vào từng loại hàng hóa dịch vụ.

 

Thuế suất thuế GTGT được quy định riêng với từng nhóm hàng, ngành hàng cụ thể. Căn cứ theo quy định tại Điều 9, Điều 10, Điều 11 của Thông tư 219/2013/TT-BTC,  các mức thuế suất thuế GTGT được áp dụng hiện nay là 0%, 5% và 10%.

 

Tuy nhiên, tùy từng thời kỳ và tùy từng mặt hàng Chính phủ sẽ có các chính sách giảm thuế GTGT đối với một số ngành hàng, mặt hàng nhằm khuyến khích sản xuất, khuyến khích hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

 

2.3. Thuế giá GTGT phải nộp ngân sách Nhà nước

Thuế GTGT bán ra phải nộp ngân sách Nhà nước được tính theo phương pháp khấu trừ thuế.

 

Công thức tính thuế GTGT phải nộp:

 

Số thuế GTGT

phải nộp

=

Số thuế GTGT đầu ra

Số thuế GTGT

đầu vào

 

Ví dụ:

 

Trong tháng 7/2024, công ty X xuất bán 2 loại hàng hóa gồm:

 

- Hàng hóa A trị giá 50.000.000 đồng với thuế GTGT là 5%.

 

- Hàng hóa B trị giá 100.000.000 với thuế GTGT là 10%.

 

Biết thuế GTGT đầu vào của 2 mặt hàng này là 8.000.000 đồng. Tính thuế GTGT bán ra trong tháng 7 và thuế GTGT phải nộp của 2 loại hàng hóa A và B.

 

Ta có:

 

- Thuế GTGT bán ra của hàng hóa A là: 50.000.000 x 5% = 2.500.000 đồng.

 

- Thuế GTGT bán ra của hàng hóa B là: 100.000.000 x 10% = 10.000.000 đồng.

 

Như vậy:

 

- Tổng thuế GTGT bán ra của công ty A là: 2.500.000 + 10.000.000 = 12.500.000 đồng.

 

- Thuế GTGT phải nộp của 2 loại hàng hóa A và B là: 12.500.000 - 8.000.000 = 4.500.000 đồng.

 

>> Tham khảo: Quy định về thuế GTGT hàng khuyến mãi.

 

3. Thời điểm xác định thuế GTGT 

 

Thời điểm xác định thuế GTGT được quy định tại Điều 8, Thông tư 219/2013/TT-BTC và các văn bản hướng dẫn liên quan khác.

 

Cụ thể thời điểm xác định thuế GTGT như sau:

 

STT

LOẠI HÀNG HÓA, DỊCH VỤ

THỜI ĐIỂM XÁC ĐỊNH THUẾ GTGT

1

Đối với bán hàng hóa

Là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

2

Đối với cung ứng dịch vụ

Là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.

3

Đối với dịch vụ viễn thông

Là thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu về cước dịch vụ kết nối viễn thông theo hợp đồng kinh tế giữa các cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông nhưng chậm nhất không quá 2 tháng kể từ tháng phát sinh cước dịch vụ kết nối viễn thông.

4

Đối với hoạt động cung cấp điện, nước sạch

Là ngày ghi chỉ số điện, nước tiêu thụ trên đồng hồ để ghi trên hóa đơn tính tiền.

5

Đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, chuyển nhượng hoặc cho thuê

Là thời điểm thu tiền theo tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ thu tiền ghi trong hợp đồng.

Căn cứ số tiền thu được, cơ sở kinh doanh thực hiện khai thuế GTGT bán ra phát sinh trong kỳ.

6

Đối với xây dựng, lắp đặt, bao gồm cả đóng tàu

Là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền

7

Đối với hàng hóa nhập khẩu

Là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan

 

 

>> Tham khảo: Lệch tiền thuế GTGT trên hóa đơn xử lý thế nào?

 

4. Những lưu ý khi tính thuế GTGT bán ra

 

Thuế GTGT bán ra là căn cứ quan trọng để xác định số thuế GTGT phải nộp ngân sách Nhà nước, do đó việc tính toán cần phải đảm bảo chính xác để tránh gây rủi ro, thiệt hại cho công ty. 

 

Khi tính thuế GTGT bán ra doanh nghiệp cần lưu ý các vấn đề sau:

 

- Số thuế GTGT bán ra bằng tổng số thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ bán ra ghi trên hóa đơn GTGT. 

 

- Khi xác định giá tính thuế GTGT cần căn cứ theo hóa đơn, chứng từ.

 

- Khi hóa đơn ghi giá thanh toán (là giá đã bao gồm thuế GTGT). Để tính thuế GTGT cần tính giá tính thuế của loại hàng hóa dịch vụ.

 

- Đơn vị cung cấp nhiều loại hàng hóa dịch vụ có mức thuế suất thuế GTGT khác nhau cần hạch toán cho từng loại hàng hóa, dịch vụ có thuế suất khác nhau đó.

 

- Cập nhật các thông tin mới, quy định mới về mức thuế suất thuế GTGT và làm hồ sơ giảm trừ nếu thuộc trường hợp được giảm thuế GTGT.

 

Trên đây là thông tin thuế GTGT bán ra, cách tính và những điểm cần lưu ý đối với doanh nghiệp. Doanh nghiệp hạch toán cẩn thận và chính xác mức thuế GTGT phải nộp theo quy định.

 

Ngoài ra, quý doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu về phần mềm hóa đơn điện tử E-invoice, vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn:

 

CÔNG TY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÁI SƠN