Chi tiết quy định thanh toán không dùng tiền mặt tại Nghị định 181/2025/NĐ-CP
Ngày 1/7/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 181/2025/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế Giá trị gia tăng 2024. Nghị định này bổ sung nhiều quy định quan trọng, trong đó đáng chú ý là các yêu cầu cụ thể về thanh toán không dùng tiền mặt để được khấu trừ thuế và tính vào chi phí được trừ.
1. Quy định về thanh toán không dùng tiền mặt tại Nghị định 181/2025/NĐ-CP
Theo quy định tại Điều 26, Nghị định 181/2025/NĐ-CP, cơ sở kinh doanh phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu) từ 05 triệu đồng trở lên đã bao gồm thuế giá trị gia tăng (GTGT).
1.1. Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt là gì?
Nghị định 181/2025/NĐ-CP quy định rõ: Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt là chứng từ chứng minh việc thanh toán không dùng tiền mặt theo quy định của Nghị định 52/2024/NĐ-CP, trừ các chứng từ bên mua nộp tiền mặt vào tài khoản của bên bán.

1.2. Các trường hợp đặc thù được thanh toán tiền mặt theo Nghị định 181/2025/NĐ-CP
Dưới đây là một số trường hợp đặc thù theo Nghị định 181/2025/NĐ-CP quy định chi tiết Điểm b, Khoản 2, Điều 14, Luật Thuế giá trị gia tăng 2024:
- Trường hợp 1: Hàng hóa, dịch vụ mua vào theo phương thức thanh toán bù trừ giữa giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào với giá trị hàng hóa, dịch vụ bán ra, vay mượn hàng mà phương thức thanh toán này được quy định rõ ràng trong hợp đồng thì phải có biên bản đối chiếu số liệu và xác nhận giữa bên mua và bên bán về việc thanh toán bù trừ giữa hàng hóa, dịch vụ mua vào với hàng hóa, dịch vụ bán ra. Nếu bù trừ công nợ qua bên thứ ba phải có biên bản bù trừ công nợ của ba bên làm căn cứ khấu trừ thuế.
- Trường hợp 2: Hàng hóa, dịch vụ mua vào theo phương thức bù trừ công nợ như vay, mượn tiền, cấn trừ công nợ qua bên thứ ba mà phương thức thanh toán được quy định cụ thể trong hợp đồng thì phải có hợp đồng vay, mượn tiền dưới hình thức văn bản đã được ký trước đó và có chứng từ chuyển tiền từ tài khoản của bên cho vay sang tài khoản của bên vay đối với khoản vay bằng tiền, bao gồm cả trường hợp bù trừ giữa giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào với khoản tiền mà bên bán hỗ trợ cho bên mua.
- Trường hợp 3: Hàng hóa, dịch vụ mua vào được thanh toán ủy quyền qua bên thứ ba thanh toán không dùng tiền mặt thì hình thức thanh toán này phải được quy định cụ thể trong hợp đồng dưới hình thức văn bản; và bên thứ ba là một tổ chức hoặc thể nhân đang hoạt động.
- Trường hợp 4: Hàng hóa, dịch vụ mua vào theo phương thức thanh toán bằng cổ phiếu hoặc trái phiếu thì hình thức thanh toán phải được ghi rõ trong hợp đồng mua bán bằng văn bản đã lập trước đó.
- Trường hợp 5: Sau khi thực hiện 4 hình thức thanh toán nêu trên mà phần giá trị còn lại được thanh toán bằng tiền có giá trị từ 05 triệu đồng trở lên thì chỉ được khấu trừ thuế với trường hợp có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
- Trường hợp 6: Hàng hóa, dịch vụ mua vào thanh toán không dùng tiền mặt vào tài khoản của bên thứ ba mở tại Kho bạc Nhà nước để thực hiện cưỡng chế bằng biện pháp thu tiền, tài sản do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ thì được khấu trừ thuế GTGT đầu vào tương ứng với số tiền đã chuyển.
- Trường hợp 7: Đối với hàng hóa, dịch vụ mua trả chậm, trả góp có giá trị từ 05 triệu đồng trở lên: Doanh nghiệp vẫn được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, nếu có đủ hợp đồng mua hàng hóa, dịch vụ bằng văn bản, hóa đơn GTGT và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt của hàng hóa, dịch vụ.
+ Nếu chưa có chứng từ thanh toán do chưa đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng, phụ lục hợp đồng thì vẫn được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
+ Nếu đến hạn thanh toán mà cơ sở kinh doanh vẫn chưa có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt thì phải kê khai, điều chỉnh giảm số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ đối với phần giá trị hàng hóa, dịch vụ không có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt vào kỳ tính thuế phát sinh nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng.
- Trường hợp 8: Giá trị hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từng lần dưới 05 triệu đồng; hàng hóa dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn dưới 05 triệu đồng theo giá đã có thuế GTGT và cơ sở kinh doanh nhập khẩu hàng hóa là quà biếu, quà tặng, hàng mẫu không phải trả tiền của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài thì không cần chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
- Trường hợp 9: Cơ sở kinh doanh giao cho người lao động đi mua hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho hoạt động kinh doanh, người lao động thanh toán bằng hình thức không dùng tiền mặt theo quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của cơ sở kinh doanh. Sau đó, doanh nghiệp hoàn tiền lại cho người lao động qua hình thức không dùng tiền mặt thì doanh nghiệp vẫn được khấu trừ thuế GTGT đầu vào cho khoản chi phí đó.
Lưu ý: Trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ có giá trị dưới 05 triệu đồng nhưng mua nhiều lần trong cùng một ngày có tổng giá trị từ 05 triệu đồng trở lên thì chỉ được khấu trừ thuế với trường hợp có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Như vậy, từ ngày 01/07/2025, đối với hóa đơn khi mua hàng từ 5 triệu trở lên (đã bao gồm thuế GTGT) cần phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt mới được khấu trừ thuế GTGT.
2. Những nội dung nổi bật khác trong Nghị định 181/2025/NĐ-CP

Dưới đây là các nội dung nổi bật khác trong Nghị định 181/2025/NĐ‑CP, bên cạnh quy định về mức thanh toán không dùng tiền mặt khấu trừ thuế GTGT đầu vào:
- Bổ sung chi tiết đối tượng không chịu thuế GTGT.
- Bổ sung quy định giá tính thuế đối với từng trường hợp cụ thể.
- Quy định chi tiết về từng mức thuế suất và điều kiện áp dụng thuế suất.
- Bổ sung chi tiết đối với từng trường hợp hoàn thuế GTGT.
- Bổ sung quy định về chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
- Thay đổi điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
- Hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu sang nước khác không được hoàn thuế.
- Quy định chi tiết thời điểm xác định thuế GTGT.
3. Điều kiện khấu trừ thuế GTGT

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2, Điều 14, Luật Thuế giá trị gia tăng 2024 quy định về điều kiện khấu trừ thuế GTGT bao gồm:
- Có hóa đơn giá trị gia tăng mua hàng hóa, dịch vụ hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng ở khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng thay cho phía nước ngoài quy định.
- Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào từ 05 triệu đồng trở lên đã bao gồm thuế giá trị gia tăng, trừ một số trường hợp đặc thù theo quy định của Chính phủ;
- Đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, ngoài các điều kiện quy định còn phải có:
+ Hợp đồng ký kết với bên nước ngoài về việc bán, gia công hàng hóa, cung cấp dịch vụ;
+ Hóa đơn bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ;
+ Chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt;
+ Tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu;
+ Phiếu đóng gói, vận đơn, chứng từ bảo hiểm hàng hóa (nếu có).
Nghị định 181/2025/NĐ-CP đánh dấu bước thay đổi quan trọng trong quản lý thuế, đặc biệt là quy định về thanh toán không dùng tiền mặt nhằm đảm bảo tính hợp lệ của chứng từ, minh bạch dòng tiền và phòng ngừa gian lận thuế. Doanh nghiệp cần nhanh chóng cập nhật và điều chỉnh quy trình thanh toán, lưu trữ chứng từ phù hợp để đảm bảo quyền lợi khấu trừ thuế GTGT và tuân thủ đúng quy định pháp luật.
Để cập nhật nhanh chóng các thay đổi về hóa đơn điện tử, quy định thuế và giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ qua Hotline 24/7: Miền Bắc: 1900 4767, Miền Trung – Miền Nam: 1900 4768.
Nguyệt Nga.