Phạt truy thu thuế TNDN: Nguyên nhân và cách khắc phục
Phạt truy thu thuế TNDN khiến doanh nghiệp lo lắng do không chỉ làm thất thoát về tài chính mà còn ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động kinh doanh. Bài viết này sẽ "bóc tách" chi tiết các nguyên nhân phổ biến, cách khắc phục tình trạng phạt truy thu thuế, từ đó giúp doanh nghiệp giúp doanh nghiệp phần nào tránh được các hậu quả đáng tiếc.

Mục Lục 1. Nguyên nhân dẫn đến phạt truy thu thuế TNDN 2. Xử phạt truy thu thuế TNDN kéo theo nhiều mức phạt khác 2.2. Phạt tiền chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính về thuế |
1. Nguyên nhân dẫn đến phạt truy thu thuế TNDN
Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là thuế đánh vào thu nhập phát sinh từ hoạt động kinh doanh, sản xuất hàng hóa dịch vụ của doanh nghiệp, tổ chức kinh tế. Mức thu nhập càng nhiều đồng nghĩa với việc khoản thuế TNDN phải nộp càng lớn.
Khi bị cơ quan thuế phát hiện nộp thiếu thuế TNDN dù cố tình hay vô tình thì doanh nghiệp đều sẽ phải chịu phạt truy thu thuế TNCN cùng với các khoản phạt khác tùy theo mức độ vi phạm. Dưới đây là những trường hợp dẫn đến phạt truy thu thuế TNDN điển hình.
(1) Sai sót trong xác định doanh thu
Doanh thu của doanh nghiệp là yếu tố quan trọng để xác định thuế. Các sai sót trong xác định doanh thu dẫn đến làm giảm số thuế phải nộp như:
- Bỏ sót doanh thu (quên kê khai một phần doanh thu phát sinh).
- Ghi nhận doanh thu không đúng kỳ kế toán
- Nhầm lẫn giữa doanh thu chịu thuế và không chịu thuế
(2) Tính cả các chi phí không được khấu trừ để khấu trừ thuế TNDN
Nhiều kế toán do không nắm rõ quy định nên tính cả các chi phí không được khấu trừ để khấu trừ thuế TNDN, cụ thể:
- Tính chi phí không phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, chi phí cá nhân vào chi phí các khoản không được trừ:
- Chi phí không có chứng từ hợp lệ (thiếu hóa đơn, chứng từ không đúng quy định) tính vào chi phí hợp lệ được khấu trừ.
- Tính các chi phí vượt định mức chi phí được khống chế (chi phí quảng cáo, tiếp thị, lãi vay vượt quá giới hạn cho phép) vào chi phí được khấu trừ.
Tính tăng các khoản chi phí không được khấu trừ vào các khoản chi phí được khấu trừ sẽ trực tiếp làm giảm số thuế TNDN phải nộp.
(3) Hạch toán thuế sai
Kế toán hạch toán sai các khoản điều chỉnh tăng/giảm thu nhập chịu thuế dẫn đến thuế TNDN giảm.
(4) Không nắm được quy định ưu đãi thuế và áp dụng sai thuế suất
rất nhiều trường hợp không nắm được các quy định về ưu đãi thuế và áp dụng thuế suất sai làm giảm thuế TNDN phải nộp, cụ thể:
- Sử dụng thuế suất không đúng với loại hình doanh nghiệp hoặc hoạt động kinh doanh.
- Không thỏa mãn các tiêu chí để được hưởng ưu đãi thuế nhưng vẫn tính thuế ưu đãi
- Áp dụng sai tỷ lệ thuế ưu đãi hoặc phạm vi ưu đãi.
(5) Không cập nhật các quy định mới
Đối với mỗi thời kỳ khác nhau doanh nghiệp có thể được ưu đãi về thuế khác nhau. Việc không cập nhật kịp thời các thay đổi trong chính sách thuế, áp dụng các quy định đã hết hiệu lực có thể dẫn đến tính sai, làm giảm thuế TNDN phải nộp.
2. Xử phạt truy thu thuế TNDN kéo theo nhiều mức phạt khác
Xử phạt truy thu thuế TNDN không chỉ đơn thuần là việc doanh nghiệp phải nộp lại số thuế còn thiếu mà còn có thể kéo theo hàng loạt các khoản phạt khác. Điều này, tạo ra gánh nặng tài chính đáng kể ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh và uy tín của doanh nghiệp.

2.1. Phạt chậm nộp tiền thuế
Bên cạnh khoản tiền thuế bị truy thu, doanh nghiệp có thể phải đối mặt với tiền phạt chậm nộp thuế tính trên số tiền thuế truy thu và thời gian chậm nộp chậm.
Căn cứ theo Khoản 2, Điều 59, Luật Quản lý thuế 2019 quy định mức tính tiền chậm nộp tiền thuế 01 ngày được tính như sau:
Mức tính tiền chậm nộp = 0,03% x Số tiền thuế chậm nộp
Nghiêm trọng hơn, tùy thuộc vào hành vi vi phạm, doanh nghiệp còn có thể bị phạt vi phạm hành chính về thuế, mức phạt có thể lên đến 20% số tiền thuế khai thiếu (nếu có tình tiết tăng nặng mức phạt thậm chí sẽ cao hơn rất nhiều).
Theo quy định hiện hành, người nộp thuế tự xác định số tiền chậm nộp và nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định. Trường hợp sau 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, doanh nghiệp chưa nộp tiền thuế truy thu, tiền chậm nộp, tiền phạt thì cơ quan quản lý thuế thông báo cho người nộp thuế biết số tiền thuế, tiền phạt còn nợ và số ngày chậm nộp.
Bài viết liên quan: Thu nhập miễn thuế TNDN bao gồm những khoản nào? Thuế TNDN chuyển nhượng cổ phần được quy định như thế nào? Hướng dẫn lập tờ khai thuế TNDN theo Thông tư 80/2021/TT-BTC. |
2.2. Phạt tiền chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính về thuế
Đối với việc tính tiền chậm nộp tiền phạt được quy định tại Khoản 1, Điều 42, Nghị định 125/2020/NĐ-CP. Theo đó, tiền chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính về thuế như sau:
“1. Tính tiền chậm nộp tiền phạt a) Tổ chức, cá nhân chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thì bị tính tiền chậm nộp tiền phạt theo mức 0,05%/ngày tính trên số tiền phạt chậm nộp. b) Số ngày chậm nộp tiền phạt bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ quy định và được tính từ ngày kế tiếp ngày hết thời hạn nộp tiền phạt đến ngày liền kề trước ngày tổ chức, cá nhân nộp tiền phạt vào ngân sách nhà nước.” |
Như vậy:
- Tiền phạt vi phạm hành chính về thuế: Được tính theo tỷ lệ phần trăm trên số tiền thuế truy thu, tùy thuộc vào mức độ vi phạm, các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ.
- Tiền phạt chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính về thuế: Được tính bằng 0,05% trên số tiền thuế chậm nộp ứng với mỗi ngày chậm nộp.
3. Khắc phục khi bị phạt truy thu thuế TNDN như thế nào?
Khi doanh nghiệp không may bị phạt truy thu thuế TNDN, việc tìm ra phương hướng khắc phục hiệu quả là vô cùng quan trọng để giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp. Điều đầu tiên, doanh nghiệp cần bình tĩnh đánh giá tình hình, xác định rõ nguyên nhân dẫn đến việc bị truy thu, sau đó triển khai các biện pháp xử lý phù hợp.

Các biện pháp hữu hiệu doanh nghiệp có thể áp dụng như:
(1) Rà soát và kiểm tra toàn diện
Kế toán kiểm tra lại sổ sách kế toán, đối chiếu với hóa đơn, chứng từ gốc xem đã trùng khớp chưa. Thực hiện so sánh với tờ khai thuế đã nộp phát hiện các sai sót và chênh lệch để điều chỉnh đúng.
(2) Khai bổ sung và điều chỉnh
Khi phát hiện sai sót dẫn đến thiếu số thuế phải nộp thực hiện khai bổ sung và điều chỉnh tờ khai thuế càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó nộp đủ số thuế còn thiếu và tiền chậm nộp.
(3) Cung cấp thông tin và tìm các tình tiết giảm nhẹ
Việc cung cấp đầy đủ thông tin và giải trình đầy đủ đồng thời có các tình tiết giảm nhẹ sẽ được giảm mức phạt. Khi rơi vào trường hợp bị truy thu thuế luôn phải có tinh thần hợp tác và thiện chí để giải quyết vấn đề nhanh nhất.
(4) Nhờ hỗ trợ tư vấn từ các chuyên gia về thuế người có nhiều kinh nghiệm
Nhờ hỗ trợ tư vấn từ các chuyên gia về thuế người có nhiều kinh nghiệm để được hướng dẫn cụ thể và chính xác. Ngoài ra doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ kế toán chuyên nghiệp đảm bảo công tác kế toán được thực hiện đúng chuẩn.
(5) Khiếu nại
Doanh nghiệp có quyền khiếu nại quyết định truy thu thuế TNDN nếu cho rằng quyết định đó không đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, nắm rõ các quy định về phạt truy thu thuế TNDN giúp doanh nghiệp chủ động trong việc tuân thủ pháp luật, tránh những rủi ro không đáng có. Tuy nhiên, "phòng bệnh hơn chữa bệnh", việc xây dựng một hệ thống kế toán vững chắc, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật sẽ là giải pháp hiệu quả nhất giúp doanh nghiệp "miễn nhiễm" với phạt truy thu thuế TNDN.
Thu Hương