Trang chủ Tin tức 6 Công việc Kế toán cần làm ngay sau Tết Nguyên Đán năm 2022

6 Công việc Kế toán cần làm ngay sau Tết Nguyên Đán năm 2022

Bởi: Einvoice.vn - 10/02/2022 Lượt xem: 6371 Cỡ chữ

Sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, kế toán quay lại với guồng quay công việc. Đây cũng là thời điểm khá bận rộn khi chuẩn bị đến giai đoạn thực hiện quyết toán thuế, báo cáo tài chính. Để có kế hoạch sắp xếp các công việc hợp lý, kịp thời hạn, kế toán cần thống kê lại những công việc cần làm ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán.

Kế toán cần làm gì sau Tết

Sau Tết Nguyên Đán, kế toán bắt đầu công việc của tháng 2/2022.

1. Nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân tháng 01/2022

Căn cứ theo Khoản 3, Điều 10, Thông tư 156/2013/TT-BTC, trong tháng nếu doanh nghiệp có khấu trừ thuế TNCN thì phải thực hiện nộp hồ sơ khai thuế TNCN tại cơ quan thuế trực tiếp quản lý doanh nghiệp. Thời hạn chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng liền sau.
Vì vậy, chậm nhất ngày 20/02/2022, doanh nghiệp phải thực hiện nộp xong hồ sơ khai thuế TNCN của tháng 01/2022. Quy định này áp dụng đối với doanh nghiệp kê khai thuế theo tháng, nếu trong tháng không phát sinh khấu trừ thuế TNCN thì không cần nộp tờ khai của tháng đó.

2. Nộp tờ khai thuế GTGT tháng 01/2022

Theo Điểm a, Khoản 1, Điều 10, Thông tư 156/2013/TT-BTC, doanh nghiệp có tổng doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề trên 50 tỷ đồng thì phải nộp tờ khai thuế GTGT theo tháng. Thời hạn chậm nhất là ngày 20/02/2022, những doanh nghiệp thuộc đối tượng này phải hoàn thành việc nộp hồ sơ khai thuế GTGT của tháng 01/2022.

Nộp tờ khai thuế GTGT

Hàng tháng, kế toán cần nộp tờ khai thuế GTGT gửi cơ quan thuế.

3. Báo cáo tình hình biến động lao động lao động trong tháng 01/2022 (Nếu có)

Trước ngày 03 hàng tháng, doanh nghiệp phải thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm nơi đặt trụ sở làm việc về tình hình biến động lao động làm việc tại đơn vị (tính theo tháng dương lịch của tháng liền trước thời điểm thông báo).
Nghĩa là trước ngày 03/02/2022, doanh nghiệp phải hoàn thành việc báo cáo tình hình biến động lao động trong tháng 01/2022 của đơn vị. Nội dung này được quy định chi tiết tại Khoản 2, Điều 16, Thông tư 78/2015/TT-BLĐTBXH.

4. Trích nộp tiền BHXH, BHYT, BHTN và kinh phí công đoàn tháng 02/2022

Căn cứ theo Điều 5, Điều 6, Nghị định 191/2013/NĐ-CP, hạn cuối là 28/02/2022, doanh nghiệp đã có hay chưa thành lập Công đoàn cơ sở vẫn phải nộp kinh phí công đoàn.
Mặt khác, theo Quyết định 595/BHXH, chậm nhất đến ngày cuối cùng của kỳ đóng, doanh nghiệp phải tiến hành trích nộp tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN. Như vậy, chậm nhất ngày 28/02/2022, doanh nghiệp phải nộp tiền BHXH, BHYT và BHYT.

5. Nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn

Đối với doanh nghiệp chưa áp hóa đơn điện tử hoặc áp dụng theo các quy định cũ, bao gồm: Tổ chức, cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn giấy, hóa đơn điện tử theo Nghị định 51/2010/NĐ-CP, Nghị định 04/2014/NĐ-CP, Thông tư 32/20111/TT-BTC, Thông tư 39/2014/TT-BTC, các đối tượng này thực hiện nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo Điều 27, Thông tư 39/2014/TT-BTC.

Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn

Doanh nghiệp sử dụng hóa đơn theo quy định cũ phải báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn.

Theo đó, hạn cuối là ngày 20/02/2022, doanh nghiệp thuộc diện báo cáo theo tháng thực hiện nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn.
Tuy nhiên, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đang sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 119/2019/NĐ-CP, Thông tư 68/2019/TT-BTC (từ ngày 01/07/2022 được thay thế bởi Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC) thì không phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn, trừ một số trường hợp phải báo cáo theo sự kiện phát sinh bao gồm:

  • Chia, tách, sáp nhập, phá sản, giải thể, chuyển đổi chủ sở hữu.
  • Giao, khoán, bán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước.

Các đối tượng này có trách nhiệm nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn và bảng kê hóa đơn sử dụng trong kỳ cùng thời hạn với thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế.
>> Có thể bạn quan tâm: Hóa đơn điện tử, Báo giá hóa đơn điện tử.

6. Thủ tục giảm thuế GTGT, áp dụng mức thuế suất 8%

Ngày 28/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP, quy định chính sách miễn, giảm thuế GTGT đã nêu tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã ban hành trước đó. Tùy theo phương pháp tính thuế GTGT, doanh nghiệp sẽ thực hiện các thủ tục giảm thuế GTGT khác nhau.

Quyết định giảm thuế GTGT mà doanh nghiệp cần lưu ý

Kế toán áp dụng quy định giảm thuế GTGT ngay sau Tết Nguyên Đán.

Doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ:

Khi lập hóa đơn GTGT, kế toán ghi 8% tại dòng thuế suất GTGT. Căn cứ hóa đơn GTGT:

  • Cơ sở kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ kê khai thuế GTGT đầu ra.
  • Cơ sở kinh doanh mua hàng hóa, dịch vụ kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo số thuế đã giảm ghi trên hóa đơn.

Doanh nghiệp tính thuế theo phương pháp khấu trừ tỷ lệ % trên doanh thu:

Kế toán ghi đầy đủ tiền hàng hóa, dịch vụ trước khi giảm ở cột “Thành tiền”:

  • Ghi số đã giảm 20% mức tỷ lệ % trên doanh thu tại dòng “Cộng tiền hàng hóa, dịch vụ”.
  • Ghi chú “Đã giảm … (số tiền) tương ứng 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT.

Nghị định 15/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/02/2022, các chính sách về giảm thuế GTGT được áp dụng từ ngày 01/02/2022 đến hết ngày 31/12/2022 theo Khoản 1, Điều 3, Nghị định 15 này. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu tháng 02/2022 - sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, kế toán cần lưu ý để áp dụng giảm thuế GTGT.
Trên đây là 6 công việc kế toán cần làm ngay sau Tết Nguyên Đán. Thời điểm chuẩn bị cho báo cáo tài chính, quyết toán thuế, kế toán cần nắm được và liệt kê, sắp xếp các công việc để có kế hoạch thực hiện công việc đầy đủ, đúng thời hạn.
Ngoài ra, để được tư vấn về phần mềm hóa đơn điện tử E-invoice miễn phí, Quy doanh nghiệp vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ nhanh nhất:
CÔNG TY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÁI SƠN