Điểm danh những lợi ích và khó khăn khi áp dụng hóa đơn điện tử
Hóa đơn điện tử giúp khắc phục tình trạng làm giả hóa đơn, góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiết giảm thời gian, chi phí cho DN khi thực hiện các thủ tục hành chính thuế. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng HĐĐT vẫn tồn tại những khó khăn nhất định.
Sử dụng HĐĐT vẫn tồn tại những khó khăn nhất định.
Nghị định số 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ đã đề cập đến việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử do các doanh nghiệp (DN) tự lựa chọn và thí điểm sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế. Đến nay, sau 7 năm thực hiện, hóa đơn điện tử đã cho thấy nhiều lợi ích hơn so với hóa đơn giấy như: Góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiết giảm thời gian, chi phí cho DN khi thực hiện các thủ tục hành chính thuế.
Đặc biệt, hóa đơn điện tử giúp khắc phục tình trạng làm giả hóa đơn. Với những lợi ích thiết thực của hóa đơn điện tử, năm 2017, dự thảo Nghị định quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ đã đề ra những quy định mới theo hướng tiến tới bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử.
Theo đó, Bộ Tài chính có giải pháp hỗ trợ DN sử dụng hóa đơn in từ hệ thống máy tính chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử của DN/hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế từ ngày 01/7/2018. Đối với trường hợp hóa đơn do tổ chức đã đặt in trước ngày 01/01/2018 thì được tiếp tục sử dụng trong năm 2018, năm 2019. Đồng thời, Bộ Tài chính có giải pháp hỗ trợ DN chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử của DN hoặc hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế từ năm 2019.
Việc chuyển đổi từ giao dịch sử dụng hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử là yêu cấu tất yếu của một hệ thống thương mại hiện đại, minh bạch. Tuy nhiên, việc triển khai hóa đơn điện tử hiện nay vẫn còn gặp những thách thức.
1. Lợi ích của hóa đơn điện tử
1.1. Đối với doanh nghiệp
Việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp DN tiết kiệm được thời gian (giảm tới 70% các bước quy trình phát hành và 90% các tranh chấp liên quan đến hóa đơn, rút ngắn tới 99% thời gian thanh toán, quản lý hóa đơn, tiết kiệm 80% chi phí cho mỗi hóa đơn)... Khi sử dụng hóa đơn điện tử, DN không cần chờ đợi nhận được hóa đơn theo đường bưu điện như cách làm truyền thống. Chỉ trong vài cú nhấp chuột, người mua hàng sẽ nhận được hóa đơn dù đang ở bất cứ nơi nào nếu có internet.
Lợi ích mà hóa đơn điện tử mang lại cho doanh nghiệp.
DN cũng không lo tình trạng bị thất lạc hóa đơn trong khi chờ chuyển phát. Việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp DN giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy như: Chi phí giấy in, mực in, chi phí chuyển hóa đơn cho khách hàng và đặc biệt là giảm chi phí lưu trữ hóa đơn; Đồng thời, giảm thời gian tìm kiếm hóa đơn; tăng cường khả năng bảo mật; giúp việc lưu trữ, quản lý hóa đơn vĩnh viễn; không có rủi ro mất, nhàu nát như khi lưu trữ hóa đơn giấy...
Bên cạnh đó, việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp DN giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế. Khi DN sử dụng hóa đơn điện tử, cơ bản các thủ tục hành chính thuế của DN cũng được thực hiện điện tử. Theo đó, DN chỉ cần thông báo qua mạng gửi đến cơ quan thuế về việc sử dụng hóa đơn điện tử và được sử dụng ngay sau khi thông báo được chấp nhận.
Cùng với đó, DN không phải đăng ký mẫu hóa đơn điện tử, không phải gửi báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn đến cơ quan thuế do phần mềm tạo hóa đơn điện tử cho phép tự xác định số lượng hóa đơn điện tử sử dụng.
Đây là nội dung khác biệt so với việc sử dụng hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in, thay cho việc DN phải gửi mẫu hóa đơn và hàng quý phải lập báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn đến cơ quan thuế. Việc sử dụng hóa đơn điện tử cũng giúp DN giảm bớt thời gian lập tờ khai thuế giá trị gia tăng so với sử dụng hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in vì phần mềm tạo hóa đơn tự động kết chuyển số liệu vào tờ khai thuế giá trị gia tăng.
1.2. Đối với cơ quan Thuế
Với việc hóa đơn điện tử sẽ dần thay thế vị trí của hóa đơn giấy trong giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ, công tác quản lý của cơ quan thuế được thực hiện theo hướng hiện đại hóa trên cơ sở áp dụng công nghệ thông tin để thu thập, tổng hợp, báo cáo dữ liệu từ hóa đơn điện tử, thay vì các phương pháp thủ công như sử dụng hóa đơn giấy. Việc sử dụng hóa đơn điện tử còn giúp ngành Thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn; hỗ trợ, phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, hoàn thuế, phân tích rủi ro DN, cá nhân kinh doanh.
Lợi ích của hóa đơn điện tử đối với cơ quan thuế.
Bên cạnh đó, giúp cơ quan Hải quan tại các cửa khẩu, sân bay nhanh chóng có thông tin để thực hiện hoàn thuế. Ngoài ra, cơ quan Thuế và các cơ quan khác của Nhà nước không tốn chi phí thời gian đối chiếu hóa đơn. Hiện nay, khi kiểm tra hoàn thuế giá trị gia tăng và kiểm tra thuế thu nhập DN, cơ quan Thuế và cơ quan khác của Nhà nước đều thực hiện đối chiếu hóa đơn, đây là công việc bắt buộc.
Thông thường, thời gian để cơ quan Thuế có được kết quả đối chiếu hóa đơn là khoảng 10 ngày làm việc. Tuy nhiên, khi DN sử dụng hóa đơn điện tử, thông tin về hóa đơn của DN được tập trung tại cơ quan thuế một cách liên tục nên cơ quan thuế có ngay thông tin về doanh thu, chi phí hàng ngày của DN, kịp thời phát hiện ra những bất thường khi DN xuất hóa đơn.
Ngoài những lợi ích trên, việc sử dụng hóa đơn điện tử cũng giúp cơ quan thuế kịp thời ngăn chặn hóa đơn của các DN bỏ trốn, mất tích, khắc phục tình trạng làm giả hóa đơn, tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh cho các DN, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển. Đồng thời, sử dụng hóa đơn điện tử góp phần bảo vệ môi trường; khắc phục được trình trạng gian lận sử dụng bất hợp pháp hóa đơn - lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên.
>> Tham khảo: Tra cứu hóa đơn, Tra cứu hóa đơn điện tử.
2. Những khó khăn trong việc áp dụng hóa đơn điện tử
Áp dụng hoá đơn điện tử, có nghĩa là DN phải hoàn toàn chủ động các công việc khởi tạo và phát hành hóa đơn; đơn giản hóa việc phát hành, quản lý hóa đơn; đơn giản hóa thủ tục kê khai thuế và tình hình sử dụng hóa đơn; hóa đơn mang theo nhiều hơn thông tin, hình ảnh đặc trưng của DN.
Thêm vào đó, DN sẽ dễ dàng tra cứu thông tin hóa đơn và kiểm soát phát hành hóa đơn, tiết kiệm chi phí giao dịch hóa đơn, chi phí phát hành hóa đơn; DN cũng tự chủ, tự chịu trách nhiệm với thông tin hóa đơn được phát hành, hạn chế rủi ro và đơn giản hơn trong công tác bảo quản, lưu trữ… Lợi ích áp dụng hóa đơn điện tử là rất rõ nhưng hiện tại chi phí áp dụng vẫn cao hơn nhiều so với việc DN tự in hóa đơn, đó là lý do đầu tiên DN không lựa chọn.
Những khó khăn trong việc áp dụng hóa đơn điện tử.
Bên cạnh đó, hóa đơn trong nhận thức của đại bộ phận người dân Việt Nam vẫn là chứng từ giấy, hóa đơn điện tử chưa được nhiều người biết đến và sử dụng nên khi mới áp dụng, các DN thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải thích cho khách hàng hiểu thế nào là hóa đơn điện tử và tính pháp lý của hóa đơn này.
Việc áp dụng hóa đơn điện tử rất cần một hạ tầng kỹ thuật tốt, tuy nhiên không phải DN nào cũng sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu về mặt hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin - viễn thông. Không có nhiều DN cung cấp dịch vụ HĐĐT có đủ quy mô và năng lực cung cấp dịch vụ trên phạm vi rộng, từ các thành phố lớn tới địa bàn huyện, xã...
Các DN nhỏ và vừa thường chậm trong việc tiếp cận công nghệ, ngại thay đổi. Mặc dù đã biết ưu điểm của hóa đơn điện tử nhưng nhiều DN do số lượng sử dụng không nhiều và số lượng hóa đơn giấy in còn rất nhiều trong kho nên vẫn còn đang “nghe ngóng” lộ trình chuyển đổi theo yêu cầu của cơ quan thuế. Hiện giờ thói quen sử dụng tiền mặt của người dân cũng là một hạn chế, dẫn tới hóa đơn điện tử “chậm” được áp dụng và triển khai trên quy mô lớn.
Để có đủ điều kiện sử dụng hóa đơn điện tử, một trong những điều kiện mà các DN phải có được chính là hệ thống máy móc và trang thiết bị đảm bảo cho việc vận hành và sử dụng hóa đơn này. Ngoài ra, còn phải có một hệ thống nhân lực với trình độ cao để có thể sử dụng. Đó là chưa kể đến sự phụ thuộc hoàn toàn vào máy móc khi có sự cố mắt điện hay hệ thống lỗi, hoặc mất tín hiệu internet thì các DN sẽ gặp vấn đề với loại hình hóa đơn này. Như vậy, việc chậm trễ trong việc xuất hàng hóa và ảnh hưởng tới công việc kinh doanh là điều rất dễ xảy ra.
Khi sử dụng hóa đơn điện tử sẽ dẫn đến nhiều vấn đề mà DN chưa biết cách xử lý, đặc biệt, đối với ngành nghề chuyên về vận chuyển. Khi vận chuyển hàng hóa phải có hóa đơn để trình cơ quan chức năng kiểm tra trên đường, như vậy khi dùng hóa đơn điện tử, DN không biết lấy hóa đơn nào để xuất trình. Đó là chưa kể các chi phí xác nhận, photo các hóa đơn chứng từ khi đối tác yêu cầu hóa đơn giấy rất mất thời gian.
Ngoài ra, theo quy định của Luật Giao dịch điện tử, điều kiện để thực hiện giao dịch điện tử khắt khe và phức tạp hơn nên việc triển khai chậm hơn. Hóa đơn điện tử chạy bằng phần mềm phải có chứng thư kĩ thuật số, hạ tầng ngành Viễn thông cũng như các điều kiện khác từ phía các DN, như phải kết nối cơ quan thuế và cơ quan liên quan thì mới có thể sử dụng.
Đặc biệt, khi sử dụng phần mềm hoá đơn điện tử, bản thân các DN không chỉ liên kết với mỗi cơ quan thuế mà với ngân hàng, người mua, người bán. Các ngân hàng có thể thực hiện hoá đơn điện tử nhưng với người mua, người bán thì vẫn còn quá khó, khiến cho việc triển khai thực hiện phần mềm hóa đơn điện tử diễn ra chậm. Thêm vào đó, các nhà cung cấp dịch vụ phần mềm, các nhà mạng chưa đáp ứng điều kiện, bảo đảm cho hoạt động hóa đơn điện tử.
>> Tham khảo: Báo giá hóa đơn điện tử.
3. Để tăng cường áp dụng hóa đơn điện tử trong doanh nghiệp
Thứ nhất, để việc áp dụng hóa đơn điện tử không gây quá nhiều khó khăn đến DN, cần có lộ trình thay đổi dài hơi. Nhiều DN chưa có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và cũng chưa được hướng dẫn cụ thể về cách thức thực hiện loại hóa đơn điện tử, chưa nắm rõ thông tin về cách xử lý những tình huống phát sinh đối với hóa đơn điện tử mà đã phải áp dụng ngay thì DN sẽ gặp rất nhiều trở ngại. Chính vì thế, khi tiến hành áp dụng sử dụng loại hóa đơn này, Nhà nước cần có một lộ trình để các DN có thể chuẩn bị một cách đầy đủ và chủ động hơn.
Mặc dù có nhiều lợi ích khi sử dụng hình thức hóa đơn điện tử nhưng những bất cập được các DN đưa ra cũng là điều mà cơ quan chức năng cần xem xét để có hướng giải quyết phù hợp, giúp việc sử dụng hóa đơn điện tử trở thành một giải pháp tốt nhất cho hoạt động kinh doanh của DN trong thời kỳ hiện đại hóa. Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần đẩy mạnh tuyên truyền về hành lang pháp lý và lợi ích của việc phát hành hóa đơn điện tử, để các DN hiểu rõ được những lợi ích của việc sử dụng hóa đơn điện tử và triển khai thực hiện sớm loại hình dịch vụ này.
Thứ hai, thực tế việc các DN muốn triển khai thuận lợi hóa đơn điện tử thường thông qua các công ty tư vấn. Không có một DN nào đủ sức làm phần mềm riêng cho mình vì chi phí rất tốn kém. Hiện có 15 nhà cung cấp phần mềm hóa đơn điện tử, trong đó có Công ty Công Nghệ Thái Sơn, VNPT và một số đơn vị khác.
Tiêu chuẩn của các giao dịch điện tử cũng như phần mềm hóa đơn đó là phải đảm bảo yêu cầu liên thông tích hợp, duy nhất, bảo mật và có khả năng phát triển. Số lượng DN cung cấp phần mềm hóa đơn điện tử như thế mới chỉ đáp ứng 60% nhu cầu thị trường, do đó vấn đề làm sao lựa chọn nhà cung cấp hiệu quả là một câu hỏi không nhỏ đối với các DN.
Vì vậy, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần khuyến khích công ty tư vấn cạnh tranh để đưa ra giải pháp tốt nhất cho các DN lựa chọn. Có thể hướng dẫn các DN thông qua thẩm định của mình về các công ty tư vấn, những công ty có ưu nhược điểm nào và công khai cho DN.
Thứ ba, đối với các DN, để có thể sử dụng tốt công nghệ về hóa đơn điện tử, DN cần chuẩn bị cho kế toán những hiểu biết về hóa đơn điện tử, có phần mềm HĐĐT, có đường truyền công nghệ thông tin, thiết kế, lựa chọn hóa đơn điện tử phù hợp, đăng ký nhà tư vấn...
Chủ DN cũng cần trang bị kiến thức về công nghệ thông tin và thường xuyên kiểm tra tình hình phát hành hóa đơn để phòng tránh các rủi ro có thể xảy ra. Trong thời gian đầu DN nên sử dụng dịch vụ của các công ty kế toán hoặc các đại lý thuế chuyên nghiệp.
Việc chuyển đổi từ giao dịch sử dụng hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử là yêu cấu tất yếu của một hệ thống thương mại hiện đại, minh bạch. Tuy nhiên, để hóa đơn điện tử trở nên phổ cập thì cần rất nhiều nỗ lực của cơ quan quản lý, của DN cung cấp dịch vụ để thay đổi nhận thức, tư duy của người dân và cộng đồng DN Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
- Quốc hội, Luật Quản lý thuế
- Nghị định số 51/2010/NĐ-CP
- Dự thảo Nghị định quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ
- Baomoi.com; congluan.vn;
Ngoài ra, mọi thắc mắc hoặc muốn nhận tư vấn thêm về phần mềm hóa đơn điện tử E-invoice hoàn toàn miễn phí, Quý doanh nghiệp vui lòng liên hệ:
CÔNG TY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÁI SƠN
- Trụ sở chính: Số 15 Đặng Thùy Trâm - Cầu Giấy - Hà Nội
- Tổng đài HTKH: 1900 4767 - 1900 4768
- Tel : 024.37545222
- Fax: 024.37545223
- Website: https://einvoice.vn/
- Fanpage: Hóa đơn điện tử Einvoice.