Kê khai thuế VAT năm 2023: Doanh nghiệp cần lưu ý những vấn đề gì?
Tổ chức, cá nhân kinh doanh khi đăng ký nộp thuế giá trị gia tăng với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cấp mã số thuế thì đều phải thực hiện kê khai thuế VAT theo đúng quy định pháp luật. Kê khai thuế GTGT là nghĩa vụ và trách nhiệm cơ bản nhất của người nộp thuế GTGT. Năm 2023, việc kê khai thuế VAT có những điểm gì cần chú ý?
Lưu ý khi kê khai thuế VAT năm 2023.
1. Kê khai thuế VAT là gì?
Kê khai thuế VAT là việc chủ thể thuộc diện nộp thuế GTGT thực hiện khai báo tất cả những nghiệp vụ chịu thuế phát sinh trong kỳ, số thuế GTGT đã trả khi mua hàng, số thuế GTGT thu được khi bán hàng, số thuế GTGT đã nộp, phải nộp trong kỳ cho cơ quan thuế.
Việc kê khai thuế được thực hiện theo mẫu tờ khai thuế. Căn cứ vào các dữ liệu khác nhau trên tờ khai thuế, người nộp thuế kê khai và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các dữ liệu trên tờ khai.
Sau khi lập xong tờ khai thuế, người nộp thuế nộp cho cơ quan thuế. Việc kiểm tra tính đúng đắn của kê khai thuế xảy ra trước thời điểm nộp thuế. Vấn đề sai sót trong việc tính số thuế phải nộp thuộc trách nhiệm của cơ quan thuế.
>> Có thể bạn quan tâm: Quy định về thuế GTGT hàng khuyến mãi.
2. Xác định kỳ kê khai thuế giá trị gia tăng
Về kỳ kê khai thuế, có doanh nghiệp kê khai thuế theo tháng, nhưng cũng có doanh nghiệp kê khai thuế theo quý. Làm thế nào để xác định kỳ kê khai thuế đúng quy định?
2.1. Đối tượng kê khai thuế GTGT theo tháng
Theo Điều 8, Nghị định 126/2020/NĐ-CP
“1. Các loại thuế, khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế quản lý thu thuộc loại khai theo tháng, bao gồm:
a) Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp người nộp thuế đáp ứng các tiêu chí theo quy định tại Điều 9 Nghị định này thì được lựa chọn khai theo quý.”
Như vậy, thuế GTGT là loại thuế kê khai theo tháng. Nếu doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí dưới đây thì được lựa chọn kê khai thuế GTGT theo quý.
Xác định kỳ kê khai thuế VAT theo tháng hoặc theo quý.
2.2. Đối tượng kê khai thuế GTGT theo quý
Căn cứ theo Điểm a, Khoản 1, Điều 9, Nghị định 126/2020/NĐ-CP, tiêu chí áp dụng kê khai thuế theo quý đối với thuế GTGT như sau:
2.2.1. Đối với doanh nghiệp mới thành lập
Doanh nghiệp mới bắt đầu đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh thì được lựa chọn kê khai thuế GTGT theo quý. Sau khi hoạt động đủ 12 tháng thì từ năm dương lịch liền kề tiếp theo năm đã đủ 12 tháng, căn cứ theo mức doanh thu của năm dương lịch trước liền kề (đủ 12 tháng) để thực hiện kê khai theo tháng hoặc theo quý.
2.2.2. Đối với doanh nghiệp đang hoạt động
Các doanh nghiệp thuộc đối tượng kê khai thuế GTGT theo tháng nếu có tổng doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ của năm trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở xuống thì được kê khai thuế GTGT theo quý.
Trong đó:
- Doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ được xác định là tổng doanh thu trên các tờ khai thuế GTGT của các kỳ tính thuế trong năm dương lịch.
- Nếu doanh nghiệp thực hiện kê khai thuế tập trung tại trụ sở chính cho các đơn vị phụ thuộc thì doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ sẽ bao gồm tổng cả doanh thu của đơn vị phụ thuộc địa điểm kinh doanh.
3. Xác định phương pháp kê khai thuế GTGT
Hiện nay có 2 phương pháp tính thuế GTGT gồm phương pháp khấu trừ và phương pháp trực tiếp. Vậy làm thế nào để doanh nghiệp xác định được đơn vị của mình tính thuế theo phương pháp nào?
3.1. Đối tượng kê khai thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ
Căn cứ theo Điều 12, Thông tư 219/2013/TT-BTC, phương pháp khấu trừ thuế áp dụng đối với những doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo duy định, bao gồm:
- Doanh nghiệp có doanh thu bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hàng năm từ 1 tỷ đồng trở lên trừ hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp trực tiếp.
- Cơ sở kinh doanh tự nguyện đăng ký áp dụng phương pháp khấu trừ thuế, trừ hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp trực tiếp.
Xác định phương pháp kê khai thuế GTGT.
3.2. Đối tượng kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp
Đối tượng kê khai thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp chủ yếu là các cơ sở kinh doanh có hoạt động mua bán, chế tác vàng bạc, đá quý. Ngoài ra, còn một số đối tượng khác gồm có:
- Hộ, cá nhân kinh doanh.
- Doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động có doanh thu bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hàng năm dưới một tỷ đồng, trừ trường hợp các đối tượng đăng ký áp dụng tự nguyện phương pháp khấu trừ.
- Các doanh nghiệp, hợp tác xã mới thành lập, trừ trường hợp đăng ký tự nguyện phương pháp khấu trừ thuế.
- Các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh không có cơ sở thường trú tại Việt Nam nhưng phát sinh doanh thu tại Việt Nam nhưng chưa thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định về thuế hiện hành.
- Các tổ chức kinh tế khác, trừ trường hợp đã đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế.
4. Thời hạn nộp tờ khai thuế GTGT
Theo Điều 44, Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định về thời hạn nộp tờ khai thuế GTGT như sau:
Thời hạn nộp tờ khai thuế GTGT theo tháng: Chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo tháng.
Thời hạn nộp tờ khai thuế GTGT.
Thời hạn nộp tờ khai thuế GTGT theo quý: Chậm nhất là ngày cuối cùng trong tháng đầu của quý liền kề tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp thuế theo quý.
Trên đây là một số thông tin cập nhật về kê khai thuế VAT năm 2023. Kế toán doanh nghiệp cần lưu ý để xác định kỳ kê khai thuế, phương pháp kê khai thuế và thời hạn nộp tờ khai thuế GTGT để áp dụng đúng quy định.
Quý doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu về phần mềm hóa đơn điện tử E-invoice, vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn:
CÔNG TY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÁI SƠN
- Địa chỉ: Số 15 Đặng Thùy Trâm – Cầu Giấy – Hà Nội
- Tổng đài HTKH: 1900 4767 – 1900 4768
- Tel : 024.37545222
- Fax: 024.37545223
- Website: https://einvoice.vn/
- Fanpage: Hóa đơn điện tử Einvoice.