Trang chủ Tin tức Hóa đơn khống là gì? Mức xử phạt khi sử dụng hóa đơn khống

Hóa đơn khống là gì? Mức xử phạt khi sử dụng hóa đơn khống

Bởi: Einvoice.vn - 19/07/2024 Lượt xem: 6055 Cỡ chữ

Hóa đơn khống là gì? Trước thực trạng việc mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp diễn ra phức tạp như hiện nay, doanh nghiệp cần nắm vững quy định về hóa đơn để tránh gặp phải các rủi ro về mặt pháp lý. Quy định về hóa đơn khống được cụ thể hóa tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP và một số văn bản pháp luật có liên quan.

 

Quy định về hóa đơn

Hóa đơn khống được quy định tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

 

1. Hóa đơn khống là gì?

 

Căn cứ theo Điểm b, Khoản 2, Điều 4, Nghị định 125/2020/NĐ-CP, hóa đơn khống là hóa đơn đã ghi các chỉ tiêu, nội dung nghiệp vụ kinh tế, nhưng việc mua bán hàng hóa, dịch vụ trên hóa đơn không có thật một phần hoặc toàn bộ. 

 

Mặt khác, theo Khoản 9, Điều 3, Nghị định 123/2020/NĐ-CP, quy định việc sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ trong đó trường hợp sử dụng hóa đơn, chứng từ khống (hóa đơn, chứng từ đã ghi các chỉ tiêu, nội dung nghiệp vụ kinh tế nhưng việc mua bán hàng hóa, dịch vụ không có thật một phần hoặc toàn bộ).

 

Từ các quy định trên, có thể hiểu hóa đơn khống là hóa đơn ghi các việc mua bán hàng hóa, dịch vụ không có thật (một phần hoặc toàn bộ nội dung của hóa đơn). Và hành vi sử dụng hóa đơn khống là hành vi sử dụng không hợp pháp hóa đơn, chứng từ.

 

>> Tham khảo: Xuất hóa đơn thay thế trong trường hợp nào?

 

2. Quy định xử phạt hành vi sử dụng hóa đơn khống

 

Quy định về các trường hợp bị phạt, mức phạt và thời hiệu xử phạt vi phạm đối với hành vi sử dụng hóa đơn khống được quy định tại Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

 

2.1. Mức phạt hành vi sử dụng hóa đơn khống

 

Mức phạt với hành vi sử dụng hóa đơn khống

Sử dụng hóa đơn khống bị phạt theo mức độ vi phạm.

 

Căn cứ theo Điều 28, Nghị định 125/2020/NĐ-CP, hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn sẽ bị xử phạt như sau:

 

- Phạt 20 triệu đồng - 50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn quy định tại Điều 4, Nghị định 125/2020/NĐ-CP, trừ các trường hợp quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 16 và Điểm d, Khoản 1, Điều 17, Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

 

- Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy hóa đơn đã sử dụng.

 

Bên cạnh đó, riêng hai trường hợp quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 16 và Điểm d, Khoản 1, Điều 17, Nghị định 125/2020/NĐ-CP có mức xử phạt riêng:

 

- Xử phạt hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn:

 

+ Phạt 20% số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn cao hơn so với quy định đối với các hành vi sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm nhưng khi cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra phát hiện, người mua chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp thuộc về bên bán hàng và người mua đã hạch toán kế toán đầy đủ theo quy định.

 

+ Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp đủ số tiền thuế bị thiếu, số tiền thuế được miễn, được hoàn, giảm cao hơn so với quy định và tiền thuế chậm nộp vào ngân sách nhà nước đối với hành vi quy định tại Khoản 1, Điều này.

 

>> Có thể bạn quan tâm: Hóa đơn điện tử, Báo giá hóa đơn điện tử.

 

- Xử phạt hành vi trốn thuế:

 

+ Phạt tiền một lần trốn thuế đối với người nộp thuế có từ một tình tiết giảm nhẹ trở lên khi thực hiện một trong các hành vi: Sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn để khai thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn giảm.

 

+ Phạt tiền 1,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại Khoản 1, Điều này mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.

 

+ Phạt tiền 2 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế vi phạm một trong các hành vi quy định tại Khoản 1, Điều này mà có một tình tiết tăng nặng.

 

+ Phạt tiền 2,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế vi phạm một trong các hành vi quy định tại Khoản 1, Điều này có hai tình tiết tăng nặng.

 

+ Phạt tiền 3 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế vi phạm một trong các hành vi quy định tại Khoản 1 của Điều này có từ ba tình tiết tăng nặng trở lên.

 

+ Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc người nộp thuế nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước đối với các hành vi vi phạm quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5 của Điều này.

 

>> Tham khảo: Quy định về hóa đơn điện tử xăng dầu.

 

2.2. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn

 

Theo Khoản 1, Điều 8, Nghị định 125/2020/NĐ-CP, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn được quy định như sau:

 

- Thời hiệu áp dụng xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn là 02 năm.

 

+ Đối với hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 8, Nghị định 125/2020/NĐ-CP: Thời hiệu xử phạt vi phạm được tính từ ngày người có thẩm quyền thi hành công vụ phát hiện hành vi vi phạm.

 

Đối với hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc quy định tại Điểm d, Khoản 1, Điều 8, Nghị định 125/2020/NĐ-CP: Thời hiệu được tính từ ngày chấm dứt hành vi vi phạm.

 

- Hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn gồm các hành vi quy định tại Khoản 4, Điều 21; Điểm b, Khoản 2 và Khoản 3, Điều 23; Khoản 2, Khoản 5, Điều 24; Điểm b, Khoản 3, Điều 25; Điểm b, Khoản 2 và Điểm b, c, d, Khoản 3, Điều 27; Điểm b, Khoản 5, Điều 29; Điểm b, Khoản 3, Điều 30, Nghị định 125/2020/NĐ-CP.

 

 

- Hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn không thuộc trường hợp quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 8, Nghị định 125/2020/NĐ-CP là hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc. Thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm tính từ ngày thực hiện hành vi vi phạm đó.

 

- Riêng đối với hành vi mất, cháy, hỏng hóa đơn: Trường hợp không xác định được ngày mất, cháy, hỏng hóa đơn thì thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm được xác định là ngày phát hiện sự việc hóa đơn bị mất, cháy, hỏng.

 

- Với hành vi vi phạm về thời hạn báo cáo, thông báo về hóa đơn quy định tại Khoản 1, 3 Điều 21; Điểm a, b Khoản 1, và Điểm c, d Khoản 2 Điều 23; Khoản 1, 2 và Điểm a, Khoản 3, Điều 25; Khoản 1, Điểm a Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 và Điểm a, Khoản 5, Điều 29, Nghị định 125/2020/NĐ-CP thì thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm được xác định là ngày người nộp thuế nộp thông báo, báo cáo về hóa đơn.

 

>> Tham khảo: Quy trình xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trên E-invoice.

 

2.3. Sử dụng hóa đơn khống có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?

 

Trường hợp cá nhân, tổ chức sử dụng hóa đơn khống nhằm mục đích trốn thuế sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội trốn thuế quy định tại Điều 200, Bộ Luật hình sự năm 2015.

 

Cụ thể, theo Điều 200, tổ chức, cá nhân xuất hóa đơn khống nhằm mục đích trốn thuế có thể ngồi tù lên đến 7 năm và kèm thêm các mức phạt tương ứng theo quy định tại Bộ Luật Hình sự.

 

3. Cách kiểm tra hóa đơn hợp pháp

 

Kiểm tra hóa đơn hợp pháp

Hướng dẫn kiểm tra hóa đơn hợp pháp.

 

Hóa đơn hợp pháp là hóa đơn có đầy đủ hình thức và nội dung theo quy định tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP, không thuộc trường hợp hóa đơn giả và các trường hợp sử dụng hóa đơn không hợp pháp hoặc sử dụng không hợp pháp hóa đơn.

 

Cách đơn giản nhất để kiểm tra hóa đơn đầu vào hợp pháp như sau:

 

Bước 1: Truy cập website tra cứu hóa đơn điện tử của Tổng cục Thuế: https://hoadondientu.gdt.gov.vn.

 

Bước 2: Đăng nhập hệ thống tra cứu hóa đơn điện tử bằng tên đăng nhập và mật khẩu đã được cung cấp.

 

Bước 3: Chọn mục “Tra cứu” => Tra cứu hóa đơn.

 

Bước 4: Chọn tab “Tra cứu hóa đơn điện tử mua vào”.

 

Bước 5: Nhập dữ liệu vào ô “Ngày lập hóa đơn” theo khoảng thời gian muốn tra cứu.

 

Lưu ý: Thời hạn tra cứu tối đa là 31 ngày, nếu muốn tra cứu phạm vi rộng hơn, bạn lựa chọn khoảng thời gian khác.

 

Bước 7: Hệ thống sẽ trả về các hóa đơn đầu vào có mã hoặc không có mã của doanh nghiệp trong khoảng thời gian lựa chọn.

 

Việc sử dụng hóa đơn khống tùy theo mức độ có thể bị xử phạt theo các mức khác nhau. Vì vậy, doanh nghiệp cần lưu ý tuyệt đối không sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, cần kiểm tra kỹ lưỡng khi nhận hóa đơn đầu vào.

 

Ngoài ra, quý doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu về phần mềm hóa đơn điện tử E-invoice, vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn:

 

CÔNG TY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÁI SƠN