Trang chủ Tin tức Đưa hóa đơn điện tử vào sử dụng đại trà

Đưa hóa đơn điện tử vào sử dụng đại trà

Bởi: Einvoice.vn - 27/04/2018 Lượt xem: 2134 Cỡ chữ

Sau một thời gian triển khai, hóa đơn điện tử được khá nhiều doanh nghiệp đón nhận sử dụng và đánh giá cao. Tuy bước đầu sử dụng còn gặp nhiều khó khăn nhưng cũng không thể phủ nhận những lợi ích to lớn mà hóa đơn điện tử mang lại cho doanh nghiệp.
Hóa đơn điện tử được xem là sẽ tạo ra cú hích lớn trong công cuộc cải cách hành chính thuế, giúp doanh nghiệp cải thiện môi trường kinh doanh và lành mạnh hóa nền tài chính nước nhà. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này vẫn chưa gặt hái được nhiều thành công như mong đợi và vẫn còn tồn tại nhiều thách thức. Do đó, để hóa đơn điện tử nhanh chóng triển khai trên diện rộng thì cần phải có giải pháp.

Hóa đơn điện tử

 Để thông tin về vấn đề này, Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề: “Đưa hóa đơn điện tử vào cuộc sống" với hai khách mời là:
- Ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế
- Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

1. Lợi ích sử dụng hóa đơn điện tử

Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, hóa đơn điện tử đem lại một sự thuận lợi rất lớn cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế. Trước đây, việc lập hóa đơn hoàn toàn mang tính thủ công; đến nay cùng với việc triển khai các phần mềm kế toán quản trị, phần mềm bán hàng, doanh nghiệp hoàn toàn có thể xuất hóa đơn trên cơ sở đó và kết xuất để đưa vào hệ thống chủ. Theo đó toàn bộ hệ thống lưu trữ, vận chuyển, chuyển nhận của hóa đơn điện tử  đều được thực hiện qua kênh điện tử giúp tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí cho người nộp thuế; giúp cho việc bảo quản, sử dụng hóa đơn tốt hơn rất nhiều.
Theo ước tính sơ bộ của Tổng cục Thuế, khi sử dụng hóa đơn giấy, doanh nghiệp sử dụng trung bình phải bỏ chi phí trên 1.000 đồng/hóa đơn bao gồm phí in ấn, vận chuyển và lưu trữ. Với số lượng ước chừng 2,5 tỷ hóa đơn/năm thì chi phí mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra lên đến 2.500 tỷ đồng. Trong khi đó, nếu sử dụng hóa đơn điện tử, số tiền mà doanh nghiệp có thể tiết kiệm được tới trên 1.000 tỷ đồng/năm.
Việc đưa hóa đơn điện tử  vào sử dụng cũng đã giảm thiểu được một số thủ tục hành chính và tạo thuận lợi rất lớn cho việc luân chuyển hóa đơn trên thị trường.
Thêm nữa, cơ quan thuế có thể hình thành được một cơ sở dữ liệu về hóa đơn phục vụ công tác quản lý thuế, công tác kiểm tra, đối chiếu, rà soát cũng như kịp thời phát hiện những hành vi gian lận trong việc phát hành hóa đơn. Sử dụng hóa đơn điện tử  sẽ giúp chúng ta minh bạch trong giao dịch, giúp doanh nghiệp tránh được các rủi ro như hóa đơn giả, hóa đơn của doanh nghiệp bỏ trốn, hóa đơn bất hợp pháp như lâu nay.
>> Tham khảo: Báo giá hóa đơn điện tử, Chứng từ điện tử.
“Khi mọi giao dịch được minh bạch hóa sẽ giảm thất thu ngân sách, giúp môi trường kinh doanh bình đẳng, khi cơ quan thuế có đầy đủ dữ liệu thì có thể phân tích biết được những lĩnh vực có nguy cơ thất thu thuế cao và tiến hành các hoạt động giám sát, điều rất là khó với hóa đơn giấy hiện tại. Áp dụng hóa đơn điện tử sẽ giảm được rất nhiều nhân lực, chi phí quản lý cho ngành thuế như trong các khâu phải cử người đi xác minh hóa đơn. Đối với DN thì lợi ích là giảm rủi ro về hóa đơn giả và những trục trặc về thủ tục thuế mà trước đây không kiểm soát được. Đó là chưa kể đến các chi phí tiết kiệm được khi không phải in hóa đơn giấy so với hiện nay mỗi năm chúng ta phải in 4 tỷ hóa đơn giấy.” , ông Đậu Anh Tuấn cho biết.

2. Xu hướng sử dụng hóa đơn điện tử

Theo ông Nguyễn Đại Trí, hóa đơn điện tử được một số doanh nghiệp manh nha sử dụng và triển khai trong vài ba năm gần đây. Trên cơ sở Nghị định 51 và sau đó là Nghị định 04 của Chính phủ sửa đổi Nghị định 51 thì Bộ Tài chính đã có những quy định về hóa đơn điện tử trong đó có Thông tư 32 năm 2011.

Xu hướng sử dụng hóa đơn điện tử

 
Xu hướng sử dụng hóa đơn điện tử.

 
Đến nay, số lượng doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử tăng lên theo từng năm. Theo số liệu cơ quan thuế ghi nhận được, nếu như đến hết năm 2016 mới có khoảng 700 – 800 doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử thì đến hết tháng 6/2017, đã có khoảng 2.700 doanh nghiệp với 300 triệu hóa đơn điện tử được ghi nhận.
Hiện nay xu hướng áp dụng hóa đơn điện tử diễn ra rất mạnh mẽ, những công ty, tập đoàn lớn thì đã áp dụng tiên phong. Tổng cục Thuế kỳ vọng trong thời gian tới hóa đơn điện tử sẽ không chỉ dừng lại ở ngưỡng 200.000 doanh nghiệp.

3. Lo ngại của doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử

Mặc dù sử dụng hóa đơn điện tử có nhiều lợi ích, song vẫn còn nhiều lo ngại xung quanh việc sử dụng này. Ông Đậu Anh Tuấn cho biết, có bốn băn khoăn về việc sử dụng hóa đơn điện tử mà đa số các doanh nghiệp hay phản ánh.
Lo ngại đầu tiên là mức độ áp dụng công nghệ thông tin, liệu có phù hợp hay không? Bởi vì qua một thời gian triển khai kê khai thuế điện tử thì một trong những hạn chế của việc áp dụng này là ở cuối kỳ là tình trạng nghẽn mạng, tạo ra khó khăn nhất định có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Lo ngại thứ hai là sự kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước, như: cơ quan thuế, thị trường, hải quan, ngân hàng có đồng bộ hay không? Bởi, nếu hệ thống kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước không tốt, phân mảnh, thì doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại trực tiếp.
Thứ ba là về mặt chi phí, với doanh nghiệp doanh thu ít họ cũng lo ngại, việc trả chi phí cao hằng năm cho tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử sẽ tạo gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.
Cuối cùng, về lộ trình thực hiện sử dụng hóa đơn điện tử. Các doanh nghiệp băn khoăn có nên giãn lộ trình, thực hiện từng bước với quan điểm thận trọng (theo phương án thảo Nghị định sửa đổi Nghị định quy định về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ, thì từ ngày 01/01/2018 các doanh nghiệp lớn sẽ áp dụng ngay hóa đơn điện tử).

4. Cần thiết sự đồng bộ của các bộ ban ngành

Trước những băn khoăn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Đại Trí cho biết, về hạ tầng thông tin, trong nhiều năm qua, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã triển khai nhiều hoạt động giao dịch thuế điện tử, như: đăng ký thuế điện tử, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế... Theo đó, khi triển khai, các vấn đề, như: hạ tầng đường truyền, cơ sở vật chất, thiết bị… luôn được Tổng cục Thuế đặt lên hàng đầu.
Về lộ trình thực hiện, qua ý kiến của các doanh nghiệp, Tổng cục Thuế sẽ cân nhắc các phương án trình Bộ Tài chính và Chính phủ cho lùi lại đến 01/07/2019.
Về tính thông suốt của hệ thống, khác với hoạt động kê khai nộp thuế có yếu tố thời hạn kê khai nộp thuế trước ngày 20 hằng tháng, hoạt động hóa đơn điện tử diễn ra thường xuyên hằng này, hàng giờ. Do vậy, bản thân doanh nghiệp phải chủ động và thay đổi để không nghẽn mạng.
Riêng về sự kết nối giữa các cơ quan chức năng, ông Nguyễn Đại Trí cho rằng, để áp dụng hóa đơn điện tử vào cuộc sống, thì cần có sự vào cuộc tích cực và đồng bộ hơn nữa từ các cơ quan chức năng.
“Đây không phải là chuyện của riêng ngành thuế mà còn liên quan đến các cơ quan chức năng khác. Với những hoá đơn giấy hiện nay khi doanh nghiệp vận chuyển hàng hoá phải mang theo hoá đơn, nên khi doanh nghiệp sử dụng hoá đơn điện tử thì đòi hỏi cơ quan chức năng phải triển khai đồng bộ để làm sao sử dụng được cơ sở dữ liệu hoá đơn điện tử chung, đảm bảo thông thương thuận lợi cho hàng hóa của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Đại Trí nhấn mạnh.
>> Tham khảo: Tra cứu hóa đơn, Tra cứu hóa đơn điện tử.
Đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, để áp dụng thành công hóa đơn điện tử phải cần trách nhiệm cả hai phía. Trong đó, cơ quan quản lý Nhà nước cần phát triển hạ tầng, có phương án phù hợp và có hệ thống pháp lý đầy đủ. Còn các doanh nghiệp cần định hướng rõ ràng trong áp dụng công nghệ thông tin, vì việc áp dụng công nghệ thông tin, trong đó có hóa đơn điện tử là xu hướng không thể đảo ngược.

Nguồn: Báo Chính Phủ