Trang chủ Tin tức Tình trạng bán hàng không xuất hóa đơn, giải quyết sao cho ổn?

Tình trạng bán hàng không xuất hóa đơn, giải quyết sao cho ổn?

Bởi: Einvoice.vn - 25/12/2017 Lượt xem: 8030 Cỡ chữ

Tình trạng người mua hàng không có thói quen lấy hóa đơn, và người bán hàng không xuất hóa đơn là chuyện phổ biến ở Việt Nam. Vậy tình trạng bán hàng không xuất hóa đơn và người mua hàng không lấy hóa đơn phải giải quyết sao cho ổn?

Người mua nên lấy hóa đơn để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình

Người tiêu dùng nên lấy hóa đơn.

Mặc dù ngành Thuế đã tích cực tuyên truyền và có chế tài xử lý để chống thất thu, đảm bảo sự công bằng trong kinh doanh, nhưng dường như tình trạng mua hàng không lấy hoá đơn vẫn chưa thuyên giảm...
Thói quen không tốt
Không chỉ chuyên gia về thuế, mà người dân bình thường cũng dễ nhận thấy thực trạng “mua hàng không lấy hóa đơn” đang rất phổ biến. Nhiều chuyên gia cho rằng, thói quen mua hàng không lấy hóa đơn cần phải được từ bỏ, bởi đây là hành động “chẳng ích nước cũng chẳng lợi nhà” mà thậm chí ngược lại.

Nhiều khách hàng ít khi lấy hoá đơn khi sử dụng dịch vụ ăn uống. (Ảnh minh hoạ)

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho rằng, bán hàng xuất hóa đơn, hay mua hàng lấy hóa đơn là câu chuyện rất bình thường ở nhiều nước trên thế giới. Trước hết, hóa đơn chính là bằng chứng cho việc giao dịch, vận chuyển và sở hữu hàng hóa hợp pháp của mỗi cá nhân. Hóa đơn còn là chứng từ pháp lý để người tiêu dùng bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong các trường hợp có vấn đề về chất lượng hàng hóa hay bảo hành sản phẩm…
>> Có thể bạn quan tâm: Báo giá hóa đơn điện tử.
“Thực tiễn cho thấy, mặc dù đã có chuyển biến tích cực, nhưng người tiêu dùng thường chỉ lấy và giữ lại hóa đơn mua sắm các hàng hóa, tài sản có giá trị lớn (ô tô, xe máy, nhà đất...)  còn phần lớn các giao dịch đời sống thường ngày, người tiêu dùng rất ít khi lấy hoá đơn. Đây thực sự là một thói quen mà người tiêu dùng cần thay đổi để bảo vệ quyền lợi của mình”, ông Nguyễn Văn Phụng phân tích.
Ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cho hay: "Hiện tại, cơ quan quản lý đang đề xuất các giải pháp để tăng cường kiểm soát đầu vào của doanh nghiệp thông qua các quy định về thanh toán qua ngân hàng theo hướng giảm giá trị các giao dịch phải thanh toán bằng tiền mặt từ 20 triệu đồng xuống 10 triệu đồng. Bên cạnh đó, ngành Thuế trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều giải pháp khác để có thể kiểm soát dòng tiền vào – ra của doanh nghiệp. Do đó, cùng với “gọng kìm thứ nhất” là quản lý hóa đơn, thì đây là “gọng kìm thứ hai” để cơ quan quản lý có thể kiểm soát được doanh thu của doanh nghiệp chặt chẽ hơn."
Theo ông Phụng, việc mua hàng không lấy hóa đơn, vô tình đã “tiếp tay” cho một số doanh nghiệp làm ăn “thiếu đứng đắn”. Nếu người tiêu dùng mua hàng không lấy hóa đơn, thì hóa đơn đó nhiều khả năng lại được “xuất khống” cho một giao dịch khác để hợp thức hóa chi phí. Trong khi đó, khi người bán không xuất hóa đơn, giao dịch đó không được ghi nhận vào doanh thu bán hàng, nên Nhà nước không thu được thuế. Đó là chưa tính tới nhiều trường hợp, đã có các cá nhân, đơn vị lợi dụng điều này để mua hóa đơn, hợp thức hóa chi tiêu ngân sách nhà nước.
Ở một khía cạnh khác, việc mua hàng không lấy hóa đơn là người tiêu dùng đã vô tình tiếp tay những người trốn thuế, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các đơn vị, cá nhân tuân thủ đúng pháp luật về thuế, từ đó ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh nói chung.
Hiện đại hóa để quản lý hiệu quả
Ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng, mua hàng không lấy hóa đơn là thói quen nên người dân không dễ từ bỏ trong ngày một ngày hai. Do vậy, để thay đổi vấn đề này, công tác tuyên truyền cần tiếp tục được chú trọng. “Lâu nay chúng ta đã làm tốt một vế: Hóa đơn là căn cứ để quản lý thuế, để xác định doanh thu của người bán hàng, để kiểm soát chi phí của doanh nghiệp mua hàng. Hiện tại, chúng ta cần làm tốt hơn vế còn lại, là tuyên truyền để người dân hiểu được lợi ích của việc lấy hóa đơn khi mua hàng và thay đổi thói quen”, ông Phụng nói.
Việc bán hàng phải xuất hóa đơn (từ 200.000 đồng trở lên) đã được pháp luật quy định, nên “lấy hóa đơn” là quyền lợi của người tiêu dùng và “xuất hóa đơn” là nghĩa vụ của người bán hàng. Hiện nay, chế tài xử lý đã có, tuy nhiên, ngành Thuế sẽ khó có thể bao quát hết nếu không nhận được sự hỗ trợ của người dân khi tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.
Cùng với đó, theo ông Nguyễn Văn Phụng, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền cần phải có các chính sách, giải pháp, đặc biệt là chế tài nhằm hạn chế các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh bán hàng hóa dịch vụ không xuất hóa đơn. Hiện nay, theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, ngành Thuế đang nỗ lực triển khai áp dụng hóa đơn điện tử. Hóa đơn điện tử sẽ được lập ngay tức thời tại thời điểm bán hàng và lưu lại trong hệ thống bán hàng, nên rất khó để người bán hàng gian lận. Cùng với đó, khi hóa đơn điện tử được triển khai rộng rãi, doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí. Thực tế, tính ưu việt của hóa đơn điện tử đã được áp dụng trên thực tiễn và cho kết quả rất tích cực như hóa đơn tiền điện, bưu chính viễn thông hay nhiều hệ thống siêu thị,...
Song hành với các biện pháp trên, ông Nguyễn Văn Phụng còn cho biết, hoạt động kiểm soát đầu vào và kiểm soát đầu ra của doanh nghiệp sẽ được cơ quan thuế đẩy mạnh. Theo đó, khi kiểm soát được cả “đầu vào và đầu ra” thì chắc chắn sẽ có chuyển biến tích cực trong vấn đề này. Hiện tại, cơ quan quản lý đang đề xuất các giải pháp để tăng cường kiểm soát đầu vào của doanh nghiệp thông qua các quy định về thanh toán qua ngân hàng theo hướng giảm giá trị các giao dịch phải thanh toán bằng tiền mặt từ 20 triệu đồng xuống 10 triệu đồng. Bên cạnh đó, ngành Thuế trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều giải pháp khác để có thể kiểm soát dòng tiền vào – ra của doanh nghiệp. Do đó, cùng với “gọng kìm thứ nhất” là quản lý hóa đơn, thì đây là “gọng kìm thứ hai” để cơ quan quản lý có thể kiểm soát được doanh thu của doanh nghiệp chặt chẽ hơn, ông Nguyễn Văn Phụng nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo ông Phụng, thời gian tới, cơ quan quản lý cần có cơ chế khoán doanh thu hợp lý hơn, hoặc khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp để tăng hiệu quả quản lý thuế.
Bàn về vấn đề này nhiều chuyên gia khác tham vấn:
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam: Không lấy hóa đơn là tiếp tay cho trốn thuế
Được đi nghiên cứu, trao đổi ở nhiều nước phát triển, tôi nhận thấy câu chuyện quản lý hóa đơn của họ khá đơn giản, khác xa so với Việt Nam. Ở một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Philippines…, việc lấy hóa đơn mua hàng hóa đã trở thành “phản xạ tự nhiên” của người dân; đồng thời, đây cũng là việc làm không thể thiếu khi bán hàng hóa của chủ cơ sở kinh doanh.
Ở Nhật Bản, khi người dân mua hàng hóa, dịch vụ như: Thuốc men, xây dựng nhà cửa, sửa chữa nhà cửa, đóng tiền học phí… họ đều lấy hóa đơn. Vì hóa đơn là chứng từ để người dân được giảm trừ một phần thuế thu nhập cá nhân khi quyết toán thuế. Đây là việc làm thiết thực khiến người tiêu dùng tự giác lấy hóa đơn mỗi khi mua hàng hóa dịch vụ. Còn ở nước ta thì khác, đôi khi mua hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng yêu cầu người bán hàng cung cấp hóa đơn thì lại phải trả thêm tiền, do đó xảy ra câu chuyện người tiêu dùng mua hàng chưa tự giác lấy hóa đơn.
>> Tham khảo: Tra cứu hóa đơn điện tử.
Gần đây nhất, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), ngành Thuế đã cho triển khai sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) và HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế.  Đây là một giải pháp vô cùng quan trọng, giải pháp này được triển khai rộng rãi trên cả nước và ở hầu hết các lĩnh vực, sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời thiết lập sự bình đẳng trong kinh doanh giữa các DN. Việc kê khai, nộp thuế điện tử, xuất HĐĐT, thanh toán điện tử… giúp các DN tiết kiệm chi phí trong sản xuất kinh doanh. Đồng thời, việc triển khai áp dụng HĐĐT rộng rãi sẽ nâng cao được công tác quản lý của ngành Thuế, hạn chế và ngăn ngừa tình trạng giả mạo hóa đơn, bảo vệ uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp.  
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam: Mua hàng kém chất lượng không có hóa đơn, người tiêu dùng chịu thiệt     
Luật Quản lý thuế đã quy định rất rõ: “Khi mua hàng hóa từ 200.000 đồng trở lên, người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ”. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại điều 20 đã quy định rất rõ ràng: “1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm cung cấp cho người tiêu dùng hóa đơn hoặc chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch theo quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của người tiêu dùng. 2. Trường hợp giao dịch bằng phương tiện điện tử thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm tạo điều kiện cho người tiêu dùng truy nhập, tải, lưu giữ và in hóa đơn, chứng từ, tài liệu quy định tại khoản 1 điều này”.
Như vậy, việc cung cấp bằng chứng giao dịch, trong đó có hóa đơn là trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh. Tổ chức, cá nhân kinh doanh không cung cấp hóa đơn cho người tiêu dùng, sẽ dễ dàng thoái thác trách nhiệm khi người tiêu dùng khiếu kiện.
Thời gian qua, nhiều trường hợp người tiêu dùng đã bị thua thiệt vì trong tay không có hóa đơn mua hàng, khi mua phải hàng hóa kém chất lượng.
Cũng do không xuất hóa đơn bán hàng hóa dịch vụ nên khi doanh nghiệp không kê khai, kê khai thiếu doanh thu, cơ quan thuế không có cơ sở để tính thuế, dẫn đến thất thu cho ngân sách.
Ông Tạ Văn Quân - Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Quốc Oai (Hà Nội): Phối hợp với công an để ngăn chặn gian lận hóa đơn
Có một thực tế là việc bán hàng nhưng không xuất hóa đơn diễn ra khá phổ biến. Trước thực trạng đó, ngành Thuế đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành rà soát, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm. Tại địa bàn huyện Quốc Oai, tình trạng doanh nghiệp né thuế, trốn thuế cũng đã xảy ra. Do đó, lãnh đạo chi cục đã yêu cầu cán bộ thuế tiến hành rà soát tờ khai thuế theo tháng, theo quý. Khi thấy có dấu hiệu rủi ro, cán bộ thuế sẽ yêu cầu doanh nghiệp giải trình và kiểm tra đột xuất để ngăn chặn ngay.
Hiện nay trên địa bàn cũng xuất hiện cả những “doanh nghiệp ma”. Các doanh nghiệp này được lập ra để mua, bán hóa đơn bất hợp pháp. Để ngăn chặn tình trạng này, chúng tôi đã phối hợp với công an huyện, tiến hành ký kết chương trình phối hợp công tác. Theo đó, những doanh nghiệp mới thành lập, không có tài sản, không có hàng hóa, nhưng lại có doanh thu đột biến thì chi cục thuế sẽ tiến hành đối chiếu, kiểm tra ngay và phối hợp với công an để đến tận nơi chủ doanh nghiệp có hộ khẩu thường trú điều tra, xác minh. Nhờ sự phối hợp này, nên trên địa bàn huyện Quốc Oai đã phát hiện 3 “doanh nghiệp ma”, đã mua, bán hóa đơn bất hợp pháp với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. 
Mặt khác, thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Thuế và Cục Thuế TP. Hà Nội, Chi cục Thuế huyện Quốc Oai cũng đã triển khai Kế hoạch chống thất thu đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, hộ kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, nhà hàng khách sạn. Theo đó, đơn vị đã rà soát, lập kế hoạch đi kiểm tra để đối chiếu, xác định việc kê khai với doanh số thực có đúng không, từ đó điều chỉnh kịp thời, hạn chế tối đa việc gian lận về doanh thu, không xuất hóa đơn theo quy định.
Bà Nguyễn Thị Huệ - Công ty TNHH tư vấn thuế CHC: Cần có biện pháp hạn chế giao dịch bằng tiền mặt
Trong thực tế, người tiêu dùng cá nhân hiện nay phần lớn không lấy hoá đơn giá trị gia tăng (GTGT) khi mua hàng hóa, dịch vụ do họ không có thói quen, thấy không cần thiết, hoặc lấy hoá đơn sẽ bị yêu cầu trả thêm 10% tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ. Nếu có lấy hoá đơn thì họ cũng sẽ lấy cho công ty của gia đình, bạn bè để hạch toán vào chi phí của công ty, hiếm khi lấy hoá đơn GTGT cho cá nhân. Việc yêu cầu trả thêm 10% khi khách hàng yêu cầu lấy hóa đơn chủ yếu diễn ra trong các nhà hàng, khách sạn, dịch vụ (các doanh nghiệp không có hàng tồn kho). Khi cá nhân không lấy hoá đơn, thì doanh nghiệp sẽ thừa hoá đơn đầu ra, họ có thể bán lại hoá đơn cho doanh nghiệp khác để thu tiền, hoặc trốn xuất hoá đơn nhằm trốn thuế, dẫn đến việc thất thu thuế của Nhà nước.
Để chống thất thu thuế GTGT, theo tôi cần có biện pháp hạn chế giao dịch bằng tiền mặt. Hiện tại, giao dịch hoá đơn từ 20 triệu đồng trở lên phải chuyển khoản qua ngân hàng. Nhưng nhiều doanh nghiệp lách quy định này bằng cách tách thành nhiều hoá đơn, vì vậy tôi cho rằng có thể hạ mức tiền phải giao dịch qua ngân hàng thanh toán cho hoá đơn ở mức thấp hơn nữa. Ngoài ra, việc áp dụng hoá đơn điện tử sẽ giúp cơ quan thuế quản lý dễ dàng hơn, hạn chế việc mua bán hoá đơn.
(Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn)
Để được tư vấn và đăng ký dùng thử phần mềm hóa đơn điện tử Einvoice, quý độc giả vui lòng liên hệ theo địa chỉ:
CÔNG TY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÁI SƠN

  • Trụ sở chính: Số 15 Đặng Thùy Trâm - Cầu Giấy - Hà Nội
  • Tổng đài HTKH: 1900 4767 - 1900 4768
  • Tel : 024.37545222
  • Fax: 024.37545223
  • Website: https://einvoice.vn/