Thuế GTGT dịch vụ phần mềm đang áp dụng mức bao nhiêu?
Trước sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ, sản phẩm phần mềm ngày càng đa dạng và mang tính ứng dụng cao, tiếp cận mọi lĩnh vực. Các vấn đề xoay quanh thuế GTGT dịch vụ phần mềm ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Loại hình dịch vụ phần mềm nào phải chịu thuế, mức thuế là bao nhiêu?
Các loại dịch vụ phần mềm theo quy định pháp luật.
1. Dịch vụ phần mềm là gì, có những loại hình nào?
Căn cứ theo Khoản 10, Điều 3, Nghị định 71/2007/NĐ-CP, dịch vụ phần mềm bao gồm các hoạt động trực tiếp hỗ trợ, phục vụ hoạt động sản xuất, khai thác, sử dụng, nâng cấp, bảo hành, bảo trì phần mềm và các hoạt động khác tương tự có liên quan đến phần mềm.
Mặt khác, theo Khoản 12, Điều 4, Luật Công nghệ thông tin năm 2006, phần mềm là chương trình máy tính được mô tả bằng hệ thống ký hiệu, mã hoặc ngôn ngữ sử dụng để điều khiển thiết bị số thực hiện chức năng nhất định nào đó.
Sản phẩm phần mềm bao gồm phần mềm cùng tài liệu kèm theo được nghiên cứu, sản xuất và thể hiện, lưu trữ ở bất kỳ một dạng vật thể nào, có thể được mua bán hoặc chuyển giao cho đối tượng khác khai thác, sử dụng.
Hoạt động công nghệ phần mềm sẽ bao gồm từ khâu nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, cung cấp sản phẩm và dịch vụ phần mềm, sản xuất phần mềm theo đơn đặt hàng, hoạt động gia công phần mềm, cung cấp, thực hiện các dịch vụ phần mềm,...
>> Tham khảo: Kế toán thuế GTGT được khấu trừ.
Theo Nghị định 71/2007/NĐ-CP, các loại hình sản phẩm phần mềm bao gồm:
- Phần mềm ứng dụng.
- Phần mềm hệ thống.
- Phần mềm công cụ.
- Phần mềm tiện ích.
- Phần mềm khác.
Các dịch vụ phần mềm theo Nghị định 71/2007/NĐ-CP bao gồm:
- Dịch vụ quản trị, bảo trì bảo hành hoạt động của phần mềm và hệ thống thông tin.
- Dịch vụ tư vấn, xây dựng dự án phần mềm.
- Dịch vụ tư vấn, định giá phần mềm.
- Dịch vụ tư vấn, đánh giá, thẩm định chất lượng phần mềm.
- Dịch vụ chuyển giao công nghệ phần mềm.
- Dịch vụ tích hợp hệ thống.
- Dịch vụ đảm bảo an toàn, an ninh cho hệ thống thông tin và các sản phẩm phần mềm.
- Dịch vụ phân phối, cung ứng sản phẩm và dịch vụ phần mềm.
- Các dịch vụ phần mềm khác.
>> Tham khảo: Hóa đơn điện tử, Báo giá hóa đơn điện tử.
2. Dịch vụ phần mềm có chịu thuế GTGT không?
Quy định về thuế GTGT dịch vụ phần mềm.
Quy định về thuế suất dịch vụ phần mềm được hướng dẫn tại Nghị định 71/2007/NĐ-CP và Thông tư số 219/2013/TT-BTC:
2.1. Dịch vụ phần mềm không chịu thuế GTGT
Trường hợp các sản phẩm dịch vụ phần mềm do doanh nghiệp cung cấp thuộc quy định tại Điều 3 và Điều 9, Nghị định 71/2007/NĐ-CP thì các sản phẩm, dịch vụ này thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định tại Điều 4, Thông tư số 219/2013/TT-BTC.
2.2. Dịch vụ phần mềm áp dụng thuế suất 10%
Trường hợp các sản phẩm dịch vụ phần mềm do doanh nghiệp cung cấp không thuộc quy định tại Khoản 3, Điều 9, Nghị định 71/2007/NĐ-CP thì các sản phẩm, dịch vụ này thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, mức thuế suất 10% theo quy định tại Điều 11, Thông tư số 219/2013/TT-BTC.
2.3. Dịch vụ phần mềm áp dụng thuế suất 0%
Trường hợp doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tư vấn phần mềm cho doanh nghiệp ở nước ngoài và tiêu dùng ngoài phạm vi Việt Nam (xuất khẩu) đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 2.b, Điều 9, Thông tư số 219/2013/TT-BTC thì được áp dụng mức thuế suất GTGT 0%.
>> Tham khảo: Lệch tiền thuế GTGT trên hóa đơn thì xử lý thế nào?
3. Những vấn đề cần lưu ý khi áp dụng thuế GTGT dịch vụ phần mềm
Lưu ý các vấn đề về thuế GTGT dịch vụ phần mềm.
Xoay quanh vấn đề thuế suất GTGT của dịch vụ phần mềm có nhiều vấn đề doanh nghiệp cần lưu ý:
3.1. Cho thuê phần mềm chịu thuế suất GTGT mức bao nhiêu?
Căn cứ theo Công văn 10684 của Cục thuế TP Hà Nội, doanh nghiệp cho thuê bản quyền phần mềm máy tính không phải là dịch vụ phần mềm theo quy định tại Khoản 3, Điều 9, Nghị định 71/2007/NĐ-CP ngày 03/5/2007 của Chính phủ thì hoạt động này thuộc đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 10%.
3.2. Dịch vụ bảo trì phần mềm có chịu thuế GTGT không?
Theo quy định pháp luật hiện hành, dịch vụ bảo trì phần mềm tùy theo trường hợp. Theo Nghị định 71/2007/NĐ-CP ngày 03/5/2007 của Chính phủ, Thông tư số 219/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính:
- Trường hợp doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm phần mềm, dịch vụ phần mềm theo Điều 3 và Điều 9, Nghị định số 71/2007/NĐ-CP, thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.
- Trường hợp các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp không thuộc quy định tại Khoản 3, Điều 9, Nghị định số 71/2007/NĐ-CP của Chính phủ thì thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10% theo Điều 11, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.
>> Tham khảo: Nghị định 72/2024/NĐ-CP giảm 2% thuế GTGT từ 1/7/2024.
3.3. Dịch vụ sửa chữa phần mềm có được giảm thuế không?
Căn cứ theo Nghị định 72/2024/NĐ-CP, quy định giảm thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại Phụ lục I, II và III ban hành kèm theo Nghị định này.
Tuy nhiên, theo Phụ lục I, II và III ban hành kèm theo Nghị định 72/2024/NĐ-CP không đề cập đến dịch vụ sửa chữa phần mềm. Vì vậy, dịch vụ sửa chữa sẽ được giảm thuế GTGT từ 10% xuống còn 8% từ ngày 01/07/2024 đến ngày 31/12/2024 theo hiệu lực của Nghị định 72/2024/NĐ-CP.
Trên đây là một số hướng dẫn về thuế GTGT dịch vụ phần mềm. Các vấn đề xoay quanh nghĩa vụ thuế dịch vụ phần mềm ngày càng được quan tâm bởi đây là ngành nghề có tốc độ tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây.
Doanh nghiệp cần lưu ý các điều kiện áp dụng mức thuế GTGT để xác định dịch vụ phần mềm có chịu thuế hay không, mức thuế bao nhiêu và có được giảm thuế hay không để áp dụng.
Ngoài ra, quý doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu về phần mềm hóa đơn điện tử E-invoice, vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn:
CÔNG TY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÁI SƠN
- Địa chỉ: Số 15 Đặng Thùy Trâm – Cầu Giấy – Hà Nội
- Tổng đài HTKH: 1900 4767 – 1900 4768
- Tel : 024.37545222
- Fax: 024.37545223
- Website: https://einvoice.vn/
- Fanpage: Hóa đơn điện tử Einvoice.