Trang chủ Tin tức Kế toán thuế GTGT được khấu trừ: Hướng dẫn cách hạch toán, định khoản chi tiết

Kế toán thuế GTGT được khấu trừ: Hướng dẫn cách hạch toán, định khoản chi tiết

Bởi: Einvoice.vn - 27/07/2023 Lượt xem: 136608 Cỡ chữ

Trong quá trình làm việc của kế toán doanh nghiệp, kế toán thuế GTGT được khấu trừ được sử dụng rất nhiều lần. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm được khấu trừ thuế GTGT như thế nào? Xoay quanh vấn đề này, bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn cách hạch toán thuế GTGT được khấu trừ.

Hạch toán kế toán thuế GTGT được khấu trừ
Hướng dẫn hạch toán kế toán thuế GTGT được khấu trừ.

1. Sử dụng tài khoản nào để hạch toán kế toán thuế GTGT được khấu từ?

Thuế giá trị gia tăng được khấu trừ sử dụng tài khoản 133 để hạch toán, cụ thể như sau:

1.1. Nguyên tắc kế toán thuế GTGT được khấu trừ

Theo Khoản 1, Điều 18, Thông tư 133/2016/TT-BTC, nguyên tắc kế toán trong doanh nghiệp vừa và nhỏ của Tài khoản 133 - Thuế GTGT được khấu trừ như sau:

  • Tài khoản 133 sử dụng để phản ánh số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, đã được khấu trừ và còn được khấu trừ của doanh nghiệp
  • Kế toán phải hạch toán riêng đối với khoản thuế GTGT được khấu trừ và không được khấu trừ. Trường hợp không thể hạch toán riêng, thì số thuế GTGT đầu vào sẽ hạch toán vào tài khoản 133. Đồng thời, cuối kỳ kế toán cần xác định được số thuế GTGT được khấu trừ và không được khấu trừ.
  • Đối với số thuế GTGT không được khấu trừ, kế toán tính vào giá trị tài sản được mua, giá vốn hàng bán hoặc chi phí sản xuất, kinh doanh tùy theo trường hợp cụ thể.
  • Việc xác định số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, kê khai, quyết toán và nộp thuế phải đảm bảo tuân thủ đúng quy định pháp luật Việt Nam về thuế GTGT.

1.2. Kết cấu tài khoản 133

Theo Khoản 2, Điều 18, Thông tư 133/2016/TT-BTC, kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 133 - Thuế GTGT được khấu trừ quy định như sau:
Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ bên Có:

  • Số thuế GTGT đầu vào đã được khấu trừ.
  • Kết chuyển số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ.
  • Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa mua vào nhưng đã được trả lại hoặc được giảm giá.
  • Số thuế GTGT đầu vào đã được hoàn lại.

Số dư bên Nợ: Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, được hoàn lại nhưng chưa được ngân sách nhà nước hoàn trả.
>> Có thể bạn quan tâm: Kế toán thuế đối với công ty xây dựng cần làm những công việc gì?

Sử dụng TK 133
Sử dụng TK 133 để hạch toán thuế GTGT được khấu trừ.

Tài khoản 133 - Thuế GTGT được khấu trừ gồm 2 tài khoản cấp 2 như sau:

  • Tài khoản 1331 - Thuế GTGT được khấu trừ của hàng hóa, dịch vụ: Tài khoản phản ánh thuế GTGT đầu vào được khấu trừ của hàng hóa, dịch vụ, vật tư mua ngoài để sử dụng trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ.
  • Tài khoản 1332 - Thuế GTGT được khấu trừ của tài sản cố định: Tài khoản dùng để phản ánh thuế GTGT đầu vào của quá trình đầu tư, mua sắm tài sản cố định phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ thuế của quá trình mua sắm bất động sản đầu tư.

2. Hướng dẫn hạch toán thuế GTGT được khấu trừ

Tùy theo trường hợp cụ thể, kế toán cần hạch toán tài khoản 133 - Thuế GTGT được khấu trừ như sau:
Khi mua tài sản cố định, hàng tồn kho, bất động sản đầu tư, nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, ghi:
- Nợ TK 152, 153, 156, 211, 213, 611 (giá chưa thuế GTGT).
- Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331, 1332).
- Có TK 111, 112, 331,... (tổng giá thanh toán).
Khi mua hàng hóa, dịch vụ, công cụ, vật tư phục vụ ngay vào sản xuất, kinh doanh, nếu thuế GTGT được khấu trừ, kế toán ghi:
- Nợ TK 621, 623, 627, 641, 642, 241, 242,... (giá chưa có thuế GTGT).
- Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331).
- Có TK 111, 112, 331,... tổng giá thanh toán.
Nếu mua hàng hóa và giao ngay cho khách hàng không nhập vào kho, thuế GTGT được khấu trừ ghi:
- Nợ TK 632 -Giá vốn hàng bán chưa thuế.
- Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331)
- Có TK 111, 112, 331,... tổng giá thanh toán.
Khi nhập khẩu vật tư, hàng hóa, tài sản cố định, kế toán cần phản ánh giá trị hàng hóa, vật tư, tài sản cố định nhập khẩu bao gồm tổng số tiền phải thanh toán cho người bán (theo tỷ giá giao dịch thực tế), thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, (nếu có), chi phí vận chuyển:
- Nợ TK 152, 153, 156, 211.
- Có TK 331 - Phải trả cho người bán.
- Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33312) (nếu thuế GTGT đầu vào của hàng nhập khẩu không thuộc trường hợp được khấu trừ).
- Có TK 3332 - Thuế tiêu thụ đặc biệt.
- Có TK 3333 - Thuế xuất, nhập khẩu.
- Có TK 33381 - Thuế bảo vệ môi trường.
- Có TK 111, 112,...
>> Có thể bạn quan tâm: Hóa đơn điện tử, Báo giá hóa đơn điện tử.
Trường hợp thuế GTGT đầu vào của hàng nhập khẩu được khấu trừ, kế toán ghi:
- Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331, 1332).
- Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (33312).

Hạch toán thuế GTGT được khấu trừ
Cách hạch toán thuế GTGT được khấu trừ.

Hạch toán đối với hàng trả lại, hàng đã mua được giảm giá do kém chất lượng, mất phẩm chất
Kế toán căn cứ vào chứng từ xuất trả lại hàng cho bên bán cùng các chứng từ liên quan để phản ánh giá trị hàng đã mua và đã trả lại người bán hoặc hàng đã mua được giảm giá, thuế GTGT không được khấu trừ ghi:
- Nợ TK 111, 112, 331 (tổng giá thanh toán).
- Có TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (thuế GTGT đầu vào của hàng mua trả lại hoặc được giảm giá).
- Có TK 152, 153, 156, 211,... (giá mua chưa có thuế GTGT).
Trường hợp không hạch toán riêng được thuế GTGT đầu vào được khấu trừ
Khi mua hàng hóa, vật tư, tài sản cố định, kế toán ghi:
- Nợ TK 152, 153, 156, 211, 213 (giá mua chưa thuế GTGT).
- Nợ 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (thuế GTGT đầu vào).
- Có TK 111, 112, 331,...
Cuối kỳ, kế toán tính và xác định thuế GTGT được khấu trừ, thuế GTGT không được khấu trừ theo Luật thuế GTGT. Đối với thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, kế toán ghi:
- Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán.
- Có TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331).
Trường hợp hàng hóa, vật tư, tài sản cố định mua vào bị tổn thất do yếu tố khách quan như thiên tai, hỏa hoạn, bị mất và xác định trách nhiệm do các tổ chức, cá nhân phải bồi thường, nếu thuế GTGT đầu vào của số hàng hóa này không được khấu trừ thì xử lý như sau:
- Trường hợp thuế GTGT của hàng hóa, vật tư, tài sản cố định mua vào tổn thất nhưng chưa xác định được nguyên nhân, kế toán ghi:

  • Nợ TK 138 - Phải thu khác (1381).
  • Có TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331, 1332).

- Trường hợp thuế GTGT của vật tư, hàng hóa, tài sản cố định mua vào bị tổn thất và cấp có thẩm quyền đã ra quyết định xử lý về số thu bồi thường của các tổ chức, cá nhân, kế toán ghi:

  • Nợ TK 111, 334,... (số thu bồi thường).
  • Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (nếu được tính vào chi phí).
  • Có TK 138 - Phải thu khác (1381).
  • Có TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ nếu xác định được nguyên nhân tổn thất và đã có quyết định xử lý.

Trường hợp cuối tháng, kế toán xác định số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và số thuế GTGT đầu ra khi xác định số thuế GTGT phải nộp trong kỳ, kế toán ghi:

  • Nợ TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311).
  • Có TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ.

Trường hợp khi được hoàn thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ, kế toán ghi:

  • Nợ TK 111, 112.
  • Có TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331).

3. Điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào

Căn cứ theo Điều 15, Thông tư 219/2013/TT-BTC, điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào như sau:

  • Có hóa đơn giá trị gia tăng hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc chứng từ nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu hoăc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài đối với các tổ chức không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.
  • Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào giá trị từ 20 triệu đồng trở lên.
  • Trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào khâu nhập khẩu theo từng lần có giá trị dưới 20 triệu đồng (giá đã bao gồm thuế GTGT) và trường hợp kinh doanh nhập khẩu hàng hóa là quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài thì không bắt buộc phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
Trên đây là một số hướng dẫn về kế toán thuế GTGT được khấu trừ. Kế toán có thể tham khảo để thực hiện hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, nắm được điều kiện để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.
Quý doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu về phần mềm hóa đơn điện tử E-invoice, vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn:
CÔNG TY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÁI SƠN