Trang chủ Tin tức Thuế VAT hàng y tế được quy định như thế nào?

Thuế VAT hàng y tế được quy định như thế nào?

Bởi: Einvoice.vn - 05/06/2023 Lượt xem: 13218 Cỡ chữ

Hàng y tế, trang thiết bị y tế là một loại hàng hóa đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Thuế VAT hàng y tế là vấn đề được các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này quan tâm. Đặc biệt là khi nhập khẩu trang thiết bị y tế, mức thuế suất áp dụng vẫn khiến nhiều doanh nghiệp lúng túng. Các quy định về thuế GTGT đối với mặt hàng y tế sẽ được cung cấp đầy đủ trong bài viết sau.

Thuế GTGT với mặt hàng y tế
Các mặt hàng y tế có quy định riêng về thuế GTGT.

1. Các văn bản pháp luật quy định về thuế VAT hàng y tế

Thông tư mới nhất quy định về thuế VAT hàng y tế là Thông tư 43/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 1/8/2021. Thông tư này điều chỉnh nhiều nội dung về Luật Thuế GTGT nên bài viết này sẽ chỉ liệt kê các văn bản pháp luật có nội dung liên quan vẫn còn hiệu lực từ sau ngày 1/8/2021:

  • Luật Thuế Giá trị gia tăng: Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12 ngày 3/6/2008 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 31/2013/QH13, Luật Số 71/2014/QH13, Luật số 106/2016/QH13, được hợp nhất tại Văn bản hợp nhất số 01/VBHN-VPQH ngày 28/4/2016 Hợp nhất Luật thuế Giá trị gia tăng.
  • Thông tư 83/2014/TT-BTC hướng dẫn thực hiện thuế GTGT theo danh mục hàng hóa nhập khẩu Việt Nam.
  • Thông tư 219/2013/TT-BTC Hướng dẫn thi hành Luật thuế Giá trị gia tăng và Nghị định 209/2013/NĐ-CP và hướng dẫn thi hành một số điều luật Thuế Giá trị gia tăng được chỉnh sửa, bổ sung tại Thông tư 26/2015/TT-BTC và Thông tư 43/2021/TT-BTC.
  • Thông tư 14/2018/TT-BYT do Bộ y tế ban hành danh mục các trang thiết bị y tế được xác định mã số hàng hóa theo danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam.
  • Công văn 8159/BTC-TCT Bộ Tài Chính ban hành về các thiết bị, vật tư, dụng cụ, hóa chất xét nghiệm dùng trong y tế.
  • Công văn 17278/BTC-TCT do Bộ Tài Chính ban hành về chính sách thuế.
  • Công văn 743/BTC-TCHQ ngày 17/1/2017 của Bộ Tài chính xác nhận thiết bị dụng cụ chuyên dùng cho y tế.
  • Công văn 13676/BTC-TCHQ do Bộ Tài chính ban hành về Thuế GTGT đối với các thiết bị, dụng cụ chuyên dùng trong y tế.
  • Công văn 3965/TCHQ-TXNK của Tổng cục Hải quan về thuế giá trị gia tăng.
  • Công văn 4069/TCHQ-TXNK ngày 18/8/2021 của Tổng cục Hải quan về Thuế giá trị gia tăng.

2. Thuế VAT hàng y tế áp dụng mức 5% hay 10%?

Ngày 11/6/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 43/2021/TT-BTC có hiệu lực từ 1/8/2021 sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về Luật Thuế giá trị gia tăng. Vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh mặt hàng thiết bị y tế băn khoăn là mức thuế áp dụng đối với mặt hàng đặc biệt này là 5% hay 10%?
Để giải đáp vấn đề này, Tổng cục Hải quan đã có Công văn giải đáp ngày 20/62022:

2.1. Thuế GTGT hàng y tế trước ngày 1/8/2021

Trước thời điểm 1/8/2021, nghĩa là trước khi Thông tư 43/2021/TT-BTC có hiệu lực, quy định về thuế giá trị gia tăng đối với thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho y tế được quy định như sau:
Theo Điểm 1, Khoản 2, Điều 8, Luật Thuế GTGT số 13/2008/QH12, các thiết bị, dụng cụ y tế, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, bông băng vệ sinh y tế, sản phẩm hóa dược, dược liệu sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh sẽ áp dụng mức thuế suất GTGT là 5%.

Mức thuế VAT với hàng y tế
Quy định về mức thuế VAT hàng y tế.

Theo Khoản 2, Điều 6, Nghị định 209/2013/NĐ-CP, Chính phủ quy định mức thuế suất GTGT 5% áp dụng đối với các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng quy định tại Khoản 2, Điều 8, Luật Thuế GTGT và Khoản 3, Điều 1, Luật sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật Thuế GTGT thì một số trường hợp áp dụng thuế GTGT 5% được quy định chi tiết nhưng không có trang thiết bị y tế.
Đồng thời, theo Khoản 8, Điều 1, Thông tư 26/2015/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 10, Thông tư 219/2013/TT-BTC thì mức thuế suất 5% áp dụng với:

  • Thiết bị, dụng cụ y tế gồm máy móc và dụng cụ chuyên dùng chở y tế.
  • Bông băng, gạc y tế, băng vệ sinh y tế.
  • Thuốc phòng bệnh và chữa bệnh.
  • Sinh phẩm y tế, nước dùng để pha chế thuốc tiêm hay dịch truyền.
  • Mũ, quần áo, khẩu trang, găng tay, bao tay,... chuyên dùng cho y tế.
  • Vật tư, hóa chất xét nghiệm, diệt khuẩn dùng cho y tế.

Như vậy, các thiết bị, dụng cụ y tế nếu được xác nhận là các dụng cụ, thiết bị chuyên dùng cho y tế theo quy định tại Thông tư 26/2015/TT-BTC thì áp dụng thuế suất GTGT là 5%, còn lại các trường hợp không được công nhận bởi Bộ Y tế sẽ áp dụng thuế suất GTGT 10%.

2.2. Thuế suất GTGT hàng y tế từ 1/8/2021

Sau khi Thông tư 43/2021/TT-BTC được ban hành, có khá nhiều ý kiến thắc mắc về mức thuế suất GTGT đối với hàng y tế. Để giải đáp vấn đề này, Tổng cục Hải quan đã ban hành Công văn khẩn cấp để thống nhất mức thuế suất.
Theo Tổng cục Hải quan, tại Điều 1, Thông tư 43/2021/TT-BTC quy định về mức thuế suất 5% áp dụng đối với các loại trang thiết bị y tế sau:

  • Thiết bị và dụng cụ y tế, máy móc y tế gồm: Các loại máy soi, chụp, chiếu sử dụng trong khám và chữa bệnh; thiết bị chuyên dụng phục vụ cho phẫu thuật và điều trị vết thương, xe cứu thương; dụng cụ đo tim mạch, huyết áp, dụng cụ truyền máu; bơm kim tiêm; dụng cụ phòng tránh thai.
  • Thiết bị và dụng cụ y tế đã có Giấy phép nhập khẩu hoặc Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành hoặc Phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn theo quy định pháp luật về y tế.
  • Trang thiết bị thuộc đối tượng quy định tại Phục lục của Thông tư 14/2018/TT-BYT văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
  • Bông, băng, gạc y tế và băng vệ sinh y tế.
  • Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh bao gồm cả thuốc thành phẩm và nguyên liệu sử dụng để làm thuốc.
  • Vắc-xin.
  • Sinh phẩm y tế, nước cất để pha chế thuốc tiêm, dịch truyền.
  • Mũ, quần áo, khẩu trang, găng tay, săng mổ, bao chi dưới, bao giày, khăn, găng tay chuyên dụng.
  • Túi đặt ngực và chất làm đầy da.
  • Vật tư hóa chất xét nghiệm, diệt khuẩn sử dụng trong y tế.

3. Trang thiết bị, dụng cụ y tế nào không chịu thuế GTGT?

Loại trang thiết bị được miễn thuế GTGT
Một số trang thiết bị, dụng cụ y tế không chịu thuế GTGT.

Theo Danh mục trang thiết bị y tế ban hành kèm theo Thông tư 14/2018/TT-BYT, những sản phẩm là trang thiết bị y tế sử dụng cho người khuyết tật thuộc các nhóm mã hàng 8713 và 9021 sẽ không chịu thuế GTGT:

  • Cáng cứu thương, xe lăn, xe đẩy và các loại xe tương tự được thiết kế đặc biệt, không có động cơ chuyên chở người tàn tật.
  • Các dụng cụ để chỉnh hình xương hoặc nẹp, đinh, vít xương.
  • Răng giả.
  • Khớp giả.
  • Các chi tiết phục vụ cho nha khoa.
  • Bộ phận nhân tạo trên cơ thể.
  • thiết bị điều hòa nhịp tim để kích cơ tim, trừ các bộ phận và phụ kiện, hàng hóa xuất khẩu.
  • Thiết bị trợ thính, ngoại trừ các phụ kiện, bộ phận.
  • Dụng cụ để lắp hoặc cấy ghép vào cơ thể để hỗ trợ người khuyết tật hoặc hỗ trợ tình trạng suy giảm chức năng các bộ phận trên cơ thể.

Trên đây là các quy định quan trọng về thuế VAT hàng y tế. Thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế là mặt hàng đặc biệt và đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và chữa trị bệnh, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cần lưu ý để áp dụng mức thuế suất chính xác.
Ngoài ra, quý doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu về phần mềm hóa đơn điện tử E-invoice, vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn:
CÔNG TY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÁI SƠN