Doanh nghiệp miễn thuế nhập khẩu: Điều kiện và thủ tục miễn thuế
Miễn thuế nhập khẩu là một trong những chính sách ưu đãi thiết thực của Nhà nước nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong một số lĩnh vực nhất định. Doanh nghiệp miễn thuế nhập khẩu sẽ được hưởng lợi ích về chi phí, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Điều kiện và thủ tục miễn thuế XNK.
1. Căn cứ pháp lý quy định miễn thuế xuất nhập khẩu
Thuế xuất nhập khẩu (còn được gọi là thuế quan) bao gồm thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu.
Nếu như thuế xuất khẩu là loại thuế đánh vào những mặt hàng mà Nhà nước muốn hạn chế xuất khẩu thì thuế nhập khẩu là thuế mà một quốc gia hay vùng lãnh thổ đánh vào hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài trong quá trình nhập khẩu.
Việc áp thuế xuất nhập khẩu trong hoạt động buôn bán hàng hóa dịch vụ giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ có ý nghĩa quan trọng trong điều tiết nền kinh tế thị trường.
Đồng thời là công cụ để Nhà nước quản lý hoạt động mua bán hàng hóa tại quốc gia hay vùng lãnh thổ của mình.
Căn cứ pháp lý quy định miễn thuế xuất khẩu nhập khẩu:
- Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 ngày 06/04/2016
- Nghị định 134/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
- Nghị định 18/2021/NĐ-CP ngày 11/03/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/09/2016 của chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu các trường hợp doanh nghiệp được miễn thuế nhập khẩu.
2. Điều kiện doanh nghiệp miễn thuế nhập khẩu theo quy định của Pháp luật
Để xét điều kiện miễn thuế nhập khẩu cần căn cứ theo Điều 16, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 và Điều 5, Nghị định 134/2016/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 18/2021/NĐ-CP) quy định miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Hàng hóa không nhằm mục đích thương mại.
Cụ thể điều kiện doanh nghiệp miễn thuế nhập khẩu khi nhập khẩu các hàng hóa gồm:
(2) Hàng hóa được miễn thuế nhập khẩu theo Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
(3) Hàng hóa có trị giá hoặc có số tiền thuế phải nộp dưới mức tối thiểu
(4) Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để gia công sản phẩm xuất khẩu; sản phẩm hoàn chỉnh nhập khẩu để gắn vào sản phẩm gia công; sản phẩm gia công xuất khẩu.
(5) Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
(6) Hàng hóa sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp tại khu phi thuế quan không sử dụng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài khi nhập khẩu vào thị trường trong nước.
(7) Hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc, tạm xuất, tái nhập trong thời hạn nhất định.
(8) Hàng hóa không nhằm mục đích thương mại trong các trường hợp sau: hàng mẫu; ảnh, phim, mô hình thay thế cho hàng mẫu; ấn phẩm quảng cáo số lượng nhỏ.
(9) Hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.
(10) Giống cây trồng; giống vật nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong nước chưa sản xuất được, cần thiết nhập khẩu theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
>> Có thể bạn quan tâm: Hóa đơn điện tử, Báo giá hóa đơn điện tử.
(11) Nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của dự án đầu tư thuộc danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất (không áp dụng đối với dự án đầu tư khai thác khoáng sản; dự án sản xuất sản phẩm có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên; dự án sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt).
(12) Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu trong nước chưa sản xuất được của dự án đầu tư để sản xuất, lắp ráp trang thiết bị y tế được ưu tiên nghiên cứu, chế tạo được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất.
(13) Hàng hóa nhập khẩu để phục vụ hoạt động dầu khí.
(14) Dự án, cơ sở đóng tàu thuộc danh mục ngành, nghề ưu đãi theo quy định của pháp luật về đầu tư được miễn thuế đối với:
- Hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của cơ sở đóng tàu, bao gồm: máy móc, thiết bị; linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng để lắp ráp đồng bộ hoặc sử dụng đồng bộ với máy móc, thiết bị; nguyên liệu, vật tư dùng để chế tạo máy móc, thiết bị hoặc để chế tạo linh kiện, chi tiết, bộ phận rời, phụ tùng của máy móc, thiết bị; phương tiện vận tải trong dây chuyền công nghệ phục vụ trực tiếp cho hoạt động đóng tàu; vật tư xây dựng trong nước chưa sản xuất được;
- Hàng hóa nhập khẩu là máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bán thành phẩm trong nước chưa sản xuất được phục vụ cho việc đóng tàu;
(15) Máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bộ phận, phụ tùng nhập khẩu phục vụ hoạt động in, đúc tiền.
(16) Hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, nội dung số, phần mềm.
(17) Hàng hóa nhập khẩu để bảo vệ môi trường, bao gồm: Máy móc, thiết bị, phương tiện, dụng cụ, vật tư chuyên dùng nhập khẩu trong nước chưa sản xuất được
(18) Hàng hóa nhập khẩu chuyên dùng trong nước chưa sản xuất được phục vụ trực tiếp cho giáo dục.
>> Tham khảo: Tìm hiểu về cách tính thuế xuất nhập khẩu theo giá CIF.
(19) Hàng hóa nhập khẩu là máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư chuyên dùng trong nước chưa sản xuất được, tài liệu, sách báo khoa học chuyên dùng sử dụng trực tiếp cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ.
(20) Hàng hóa nhập khẩu chuyên dùng phục vụ trực tiếp cho an ninh, quốc phòng, trong đó phương tiện vận tải chuyên dùng phải là loại trong nước chưa sản xuất được.
(21) Hàng hóa nhập khẩu để phục vụ bảo đảm an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và các trường hợp đặc biệt khác.
3. Hồ sơ và thủ tục miễn thuế nhập khẩu
Sau khi xét điều kiện doanh nghiệp được miễn thuế nhập khẩu cần lưu ý đến hồ sơ và thủ tục miễn thuế nhập khẩu. Theo đó, doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và thủ tục theo quy định để được miễn thuế.
Hồ sơ và thủ tục miễn thuế nhập khẩu.
3.1. Hồ sơ miễn thuế nhập khẩu
Căn cứ theo quy định tại Khoản 6, Điều 5, Nghị định 134/2016/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Khoản 2, Điều 1, Nghị định 18/2021/NĐ-CP) hồ sơ miễn thuế nhập khẩu gồm có:
- Hồ sơ hải quan theo quy định của pháp luật hải quan, trừ trường hợp mua hàng miễn thuế tại cửa hàng miễn thuế;
- Sổ định mức miễn thuế theo quy định tại Khoản 8 Điều này: 01 bản chụp, trừ trường hợp Sổ định mức miễn thuế đã được cập nhật vào Cổng thông tin một cửa quốc gia;
- Giấy tờ chứng minh đã hoàn thành việc tái xuất hoặc tiêu hủy hoặc chuyển nhượng đối với các trường hợp tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy để thay thế cho xe ô tô, xe gắn máy đã tạm nhập khẩu theo tiêu chuẩn định lượng của các đối tượng là cơ quan quy định (quy định tại Khoản 5 Điều này): 01 bản chụp;
- Văn bản xác nhận của Bộ Ngoại giao đối với trường hợp nhập khẩu hàng hóa quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều này: 01 bản chụp;
- Quyết định miễn thuế của Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp nhập khẩu hàng hóa quy định tại Khoản 4 Điều này: 01 bản chụp.
3.2. Thủ tục miễn thuế nhập khẩu hàng hóa
Thủ tục miễn thuế nhập khẩu doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 31, Nghị định 134/2016/NĐ-CP.
- Doanh nghiệp tự xác định, khai hàng hóa và số tiền thuế được miễn thuế (trừ việc kê khai số tiền thuế phải nộp đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để gia công do bên thuê gia công cung cấp) trên tờ khai hải quan khi làm thủ tục hải quan, chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung khai báo.
- Doanh nghiệp lập hồ sơ đề nghị miễn thuế nhập khẩu theo mẫu quy định sau đó nộp hồ sơ đề nghị miễn thuế nhập khẩu tại cơ quan hải quan nơi nhập khẩu hàng hóa.
- Cơ quan hải quan nơi làm thủ tục hải quan căn cứ hồ sơ miễn thuế, đối chiếu với các quy định hiện hành để thực hiện miễn thuế theo quy định.
Trường hợp xác định hàng hóa nhập khẩu không thuộc đối tượng miễn thuế như khai báo thì thu thuế và xử phạt vi phạm (nếu có) theo quy định.
>> Có thể bạn quan tâm: Hàng mẫu có chịu thuế xuất nhập khẩu không?
Lưu ý khi doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan:
- Tuân thủ các quy định của pháp luật về miễn thuế nhập khẩu.
- Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ miễn thuế ứng với từng trường hợp của mình
- Doanh nghiệp cần khai báo hải quan chính xác, đầy đủ các thông tin liên quan đến hàng hóa nhập khẩu.
- Doanh nghiệp cần có đầy đủ các chứng từ, tài liệu để chứng minh cho việc miễn thuế nhập khẩu.
Quý doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu về phần mềm hóa đơn điện tử E-invoice, vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn:
CÔNG TY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÁI SƠN
- Địa chỉ: Số 15 Đặng Thùy Trâm – Cầu Giấy – Hà Nội
- Tổng đài HTKH: 1900 4767 – 1900 4768
- Tel : 024.37545222
- Fax: 024.37545223
- Website: https://einvoice.vn/
- Fanpage: Hóa đơn điện tử Einvoice.