Các trường hợp miễn thuế xuất nhập khẩu theo quy định
Thuế xuất nhập khẩu đánh vào hàng hóa xuất nhập khẩu với mục đích bảo vệ sản xuất trong nước và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, không phải hàng hóa nào cũng phải nộp thuế xuất nhập khẩu. Vậy, các trường hợp được miễn thuế xuất nhập khẩu theo quy định là gì?
Các trường hợp miễn thuế xuất nhập khẩu.
1. Thuế xuất nhập khẩu là gì
Trên thực tế có rất nhiều loại thuế khác nhau. Một loại hàng hóa có thể chịu thuế xuất nhập khẩu, thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường… Nắm rõ thuế xuất nhập khẩu là gì sẽ giúp việc kinh doanh được thuận và làm rõ các trường hợp được miễn thuế.
1.1. Thuế xuất nhập khẩu là gì
Thuế xuất nhập khẩu hay còn gọi tắt là thuế quan, là loại thuế gián thu bao gồm 2 loại là thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu.
- Thuế xuất khẩu: thuế đánh vào những mặt hàng mà Nhà nước muốn hạn chế xuất khẩu.
- Thuế nhập khẩu: là một loại thuế mà một quốc gia hay vùng lãnh thổ đánh vào hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài trong quá trình nhập khẩu.
1.2. Ai là người nộp thuế xuất nhập khẩu
Căn cứ theo Điều 3, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 quy định người nộp thuế xuất khẩu nhập khẩu gồm:
- Chủ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
- Tổ chức nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu.
- Người xuất cảnh, nhập cảnh có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, gửi hoặc nhận hàng hóa qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam.
- Người được ủy quyền, bảo lãnh và nộp thuế thay cho người nộp thuế: Đại lý làm thủ tục hải quan được người nộp thuế ủy quyền; Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế trong trường hợp nộp thuế thay cho người nộp thuế…
- Người thu mua, vận chuyển hàng hóa trong định mức miễn thuế của cư dân biên giới nhưng không sử dụng cho sản xuất, tiêu dùng mà đem bán theo quy định của pháp luật.
- Người có hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế nhưng sau đó có sự thay đổi và chuyển sang đối tượng chịu thuế theo quy định của pháp luật
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật về thuế.
Khi phát sinh hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu người nộp thuế phải tính toán mức thuế xuất khẩu nhập khẩu phải nộp để tính toán chi phí hàng hóa là căn cứ xây dựng giá bán ra và mua vào. Tuy nhiên có một số trường hợp được miễn thuế xuất nhập khẩu điều này sẽ thúc đẩy các đơn vị, cá nhân kinh doanh tăng lợi thế cạnh tranh cho mặt hàng được miễn thuế.
2. Các trường hợp được miễn thuế xuất nhập khẩu theo quy định
Bước vào nền kinh tế hội nhập, tạo điều kiện thức đẩy hàng hóa xuất nhập khẩu. Hiện nay, xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn ngân sách nhà nước và trở thành một trong những ngành được đặc biệt trú trọng ở nước ta.
Hàng hóa nhập khẩu phục vụ hoạt động dầu khí được miễn thuế xuất nhập khẩu.
2.1. Mục đích của miễn thuế xuất nhập khẩu
Miễn thuế xuất nhập khẩu là một trong những chính sách được đặc biệt quan tâm. Việc miễn thuế xuất nhập khẩu nhằm thực hiện nhiều mục tiêu khác nhau của Nhà nước như:
- Khuyến khích hoạt động kinh tế với nước ngoài
- Khuyến khích đầu tư,
- Hỗ trợ đối tượng đặc biệt,
- Thực hiện các chính sách xã hội
- Tăng cường mối quan hệ với các nước khác
- …
2.2. Các trường hợp được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu mới nhất
Căn cứ theo Điều 16, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016 và hướng dẫn tại Nghị định 134/2016/NĐ-CP các trường hợp được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu gồm có:
Nhóm hàng hóa tiêu dùng có:
(1) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam; hàng hóa trong tiêu chuẩn hành lý miễn thuế của người xuất cảnh, nhập cảnh; hàng hóa nhập khẩu để bán tại cửa hàng miễn thuế.
(2) Hàng hóa được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
(3) Hàng hóa có trị giá hoặc có số tiền thuế phải nộp dưới mức tối thiểu.
(4) Hàng hóa sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp tại khu phi thuế quan không sử dụng nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài khi nhập khẩu vào thị trường trong nước.
(5) Hàng hóa tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập trong thời hạn nhất định
(6) Hàng hóa không nhằm mục đích thương mại trong các trường hợp sau: hàng mẫu; ảnh, phim, mô hình thay thế cho hàng mẫu; ấn phẩm quảng cáo số lượng nhỏ.
(7) Hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư
(8) Hàng hóa nhập khẩu để phục vụ hoạt động dầu khí
(9) Hàng hóa thuộc dự án, cơ sở đóng tàu thuộc danh mục ngành, nghề ưu đãi theo quy định của pháp luật về đầu tư được miễn thuế
(10) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để bảo vệ môi trường
(11) Hàng hóa nhập khẩu chuyên dùng trong nước chưa sản xuất được phục vụ trực tiếp cho giáo dục.
(12) Hàng hóa nhập khẩu chuyên dùng phục vụ trực tiếp cho an ninh, quốc phòng, trong đó phương tiện vận tải chuyên dùng phải là loại trong nước chưa sản xuất được.
(13) Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để phục vụ bảo đảm an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và các trường hợp đặc biệt khác.
Linh kiện trong nước chưa sản xuất được thuộc dự án được đặc biệt ưu đãi đầu tư.
Nhóm hàng hóa là nguyên vật liệu:
(14) Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để gia công sản phẩm xuất khẩu; sản phẩm hoàn chỉnh nhập khẩu để gắn vào sản phẩm gia công; sản phẩm gia công xuất khẩu.
(15) Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
(16) Nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất của dự án đầu tư thuộc danh mục ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư hoặc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất.
>> Có thể bạn quan tâm: Thuế VAT hàng xuất - nhập khẩu năm 2023 quy định như thế nào?
(17) Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu trong nước chưa sản xuất được của dự án đầu tư để sản xuất, lắp ráp trang thiết bị y tế được ưu tiên nghiên cứu, chế tạo được miễn thuế nhập khẩu trong thời hạn 05 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất.
(18) Máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư, linh kiện, bộ phận, phụ tùng nhập khẩu phục vụ hoạt động in, đúc tiền.
(19) Nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ thông tin, nội dung số, phần mềm.
(20) Máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư chuyên dùng trong nước chưa sản xuất được, tài liệu, sách báo khoa học chuyên dùng sử dụng trực tiếp cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, phát triển hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ.
Nhóm hàng hóa khác:
(21)Tài sản di chuyển, quà biếu, quà tặng trong định mức của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc ngược lại.
(22)Giống cây trồng; giống vật nuôi; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong nước chưa sản xuất được, cần thiết nhập khẩu theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
(23)Hàng hóa mua bán, trao đổi qua biên giới của cư dân biên giới thuộc Danh mục hàng hóa và trong định mức để phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng của cư dân biên giới.
Trên đây là các trường hợp được miễn thuế xuất nhập khẩu đơn vị, doanh nghiệp lưu ý để bảo vệ lợi ích của mình. Trường hợp chưa rõ hoặc có vướng mắc doanh nghiệp, cá nhân nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh xuất nhập khẩu trước khi thực hiện hoạt động kinh doanh.
Quý doanh nghiệp có nhu cầu tìm hiểu về phần mềm hóa đơn điện tử E-invoice, vui lòng liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn:
CÔNG TY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÁI SƠN
- Địa chỉ: Số 15 Đặng Thùy Trâm – Cầu Giấy – Hà Nội
- Tổng đài HTKH: 1900 4767 – 1900 4768
- Tel : 024.37545222
- Fax: 024.37545223
- Website: https://einvoice.vn/
- Fanpage: Hóa đơn điện tử Einvoice.