Trang chủ Tin tức TOP 4 nội dung quan trọng về hóa đơn, chứng từ theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP

TOP 4 nội dung quan trọng về hóa đơn, chứng từ theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP

Bởi: Einvoice.vn - 28/10/2020 Lượt xem: 3438 Cỡ chữ

Nhằm đồng hành và hỗ trợ các đơn vị kinh doanh chuyển đổi hóa đơn điện tử thuận lợi nhất, Chính Phủ đã cho ban hành thêm Nghị định 123/2020/NĐ-CP, ngày 19/10/2020, với nhiều quy định mới và thay đổi về hóa đơn, chứng từ. Bài viết dưới đây sẽ cập nhật tới bạn và DN 04 nội dung quan trọng trong Nghị định mới này.

Nội dung trên hóa đơn điện tử

TOP 4 nội dung quan trọng về hóa đơn, chứng từ điện tử.

1. Bãi bỏ quy định bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử từ 01/11/2020

Trước đây, cả Nghị định 119 và Thông tư số 68 về hóa đơn đều có nội dung quy định bắt buộc các đơn vị kinh doanh phải hoàn thành chuyển đổi HĐĐT trước ngày 01/11/2020. Tuy nhiên, với Nghị định số 123/2020/NĐ-CP mới ban hành, Chính Phủ khẳng định sẽ bãi bỏ quy định này.
Cụ thể, tại Khoản 3, Điều 59, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Chính Phủ quy định sẽ bãi bỏ Khoản 2, Điều 35, Nghị định số 119/2018/NĐ-CP kể từ ngày 01/11/2020.

Thời gian áp dụng hóa đơn điện tử

DN bắt buộc phải áp dụng HĐĐT từ ngày 01/07/2022.

Điều này đồng nghĩa rằng: Chính Phủ sẽ chính thức bãi bỏ quy định bắt buộc các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức khác, hộ, cá nhân kinh doanh phải chuyển đổi HĐĐT chậm nhất vào ngày 01/11/2020. Cùng với đó, thời hạn cuối cùng các DN bắt buộc phải áp dụng HĐĐT sẽ được thay đổi sang ngày 01/07/2022.
Tuy nhiên, Chính Phủ cũng nêu rõ quan điểm khuyến khích các đơn vị kinh doanh đáp ứng đầy đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin nhanh chóng chuyển đổi, áp dụng hóa đơn điện tử trước thời hạn quy định càng sớm càng tốt.

2. Quy định sử dụng hóa đơn đã phát hành trước ngày bàn hành Nghị định mới

Đối với các hóa đơn đã được DN thông báo phát hành hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in, hóa đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế hoặc đã đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, đã mua hóa đơn của cơ quan thuế trước ngày Nghị định số 123/2020/NĐ-CP phát hành, Chính Phủ đã hướng dẫn xử lý chuyển tiếp rất chi tiết tại Khoản 1, Điều 60 của Nghị định mới này. Cụ thể:
- Các đơn vị kinh doanh vẫn được tiếp tục sử dụng hóa đơn đang dùng từ nay đến hết ngày 30/06/2022, áp dụng với các hóa đơn đã thông báo phát hành hoặc đã đăng ký áp dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế, đã mua hóa đơn của cơ quan thuế từ trước ngày 19/10/2020. Điều này có nghĩa rằng: từ nay đến 30/06/2022, các đơn vị kinh doanh trên hoàn toàn được phép sử dụng song song cùng lúc cả chứng từ giấy và hóa đơn điện tử.
- Bên cạnh việc có thể sử dụng song song cùng lúc cả hóa đơn, chứng từ giấy và HĐĐT, các đơn vị kinh doanh phải nghiêm túc tuân thủ quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Đồng thời phải thực hiện các thủ tục thực hiện gửi dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế theo Mẫu số 03/DL-HĐĐT, Phụ lục IA, ban hành kèm theo Nghị định này cùng với việc nộp tờ khai thuế GTGT.
Theo đúng quy định, sau khi nhận được dữ liệu hóa đơn theo Mẫu số 03/DL-HĐĐT từ các đơn vị kinh doanh chưa đủ điều kiện chuyển đổi HĐĐT, cơ quan thuế sẽ xây dựng dữ liệu hóa đơn của cơ sở kinh doanh để đưa vào cơ sở dữ liệu hóa đơn và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế phục vụ việc tra cứu dữ liệu hóa đơn.

3. Quy định sử dụng hóa đơn với đơn vị kinh doanh mới thành lập

Thời điểm lập hóa đơn điện tử

DN mới thành lập sử dụng HĐĐT thế nào?

Căn cứ theo Khoản 2, Điều 60 của Nghị định số 123/2020/NĐ-CP mới được Chính Phủ ban hành thì việc sử dụng hóa đơn, chứng từ với các đơn vị kinh doanh mới thành lập được áp dụng như sau:
- Các đơn vị kinh doanh mới thành lập từ nay đến 30/06/2022 phải thực hiện áp dụng HĐĐT theo quy định của Nghị định này khi nhận được thông báo thực hiện chuyển đổi HĐĐT từ cơ quan thuế.
- Các đơn vị kinh doanh mới thành lập nếu chưa thể đáp ứng đầy đủ điều kiện về hạ tầng công nghệ thông tin thì sẽ tiếp tục được sử dụng hóa đơn đang dùng; song song với đó phải tiến hành thủ tục gửi dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế theo Mẫu số 03/DL-HĐĐT, Phụ lục IA, ban hành kèm theo Nghị định này cùng với việc nộp tờ khai thuế GTGT.
>> Tham khảo: Báo giá hóa đơn điện tử.

4. Quy định những trường hợp được sử dụng hóa đơn đặt in sau ngày 01/07/2020

Căn cứ theo Điều 23, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, một số đối tượng dưới đây sẽ được phép sử dụng hóa đơn đặt in, thay vì phải bắt buộc phải áp dụng HĐĐT theo thời hạn (từ ngày 01/07/2022):
- Các đơn vị kinh doanh được quy định tại Điều 14, Nghị định 123/2020/NĐ-CP được phép áp dụng hóa đơn do cơ quan thuế đặt in trong trường hợp: không thực hiện giao dịch với cơ quan thuế bằng phương tiện điện tử; không có hạ tầng công nghệ thông tin, không có hệ thống phần mềm kế toán, không có phần mềm lập HĐĐT để có thể dùng HĐĐT và truyền dữ liệu HĐĐT tới cơ quan thuế.
- Các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh trong thời gian hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin cấp mã hóa của cơ quan thuế gặp sự cố thì sẽ được áp dụng hóa đơn do cơ quan thuế đặt in.
Trên đây là TOP 4 nội dung quan trọng, mọi DN đều cần lưu ý khi cập nhật Nghị định 123/2020/NĐ-CP mới nhất của Chính Phủ về hóa đơn, chứng từ. Mọi thắc mắc hay muốn được tư vấn thêm về phần mềm hóa đơn điện tử E-invoice hoàn toàn miễn phí, Quý doanh nghiệp vui lòng liên hệ:
CÔNG TY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ THÁI SƠN

  • Địa chỉ: Số 15 Đặng Thùy Trâm – Cầu Giấy – Hà Nội
  • Tổng đài HTKH: 1900 4767 – 1900 4768
  • Tel: 024.37545222
  • Fax: 024.37545223
  • Website: https://einvoice.vn/