Cần phải chấm dứt tình trạng mua - bán không hóa đơn
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, trước thực trạng cả người bán và người mua đều bỏ qua hóa đơn, một yêu cầu bức thiết được đặt ra là phải chấm dứt tình trạng này.
Rủi ro mua hàng không lấy hoá đơn.
Hóa đơn (hóa đơn giá trị gia tăng, hóa đơn đỏ) không chỉ là tài liệu thể hiện giá của sản phẩm/dịch vụ (gọi chung là hàng hóa), mà còn là tài liệu nhằm ghi nhận doanh số giao dịch của doanh nghiệp và là bằng chứng chứng minh người tiêu dùng đã mua hàng hóa của người bán.
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải lúc nào người bán cũng cung cấp hóa đơn cho người tiêu dùng, đồng thời, một số người tiêu dùng thường không có thói quen yêu cầu cung cấp hoặc thậm chí không lưu trữ hóa đơn khi được cung cấp. Điều này đã gây ra rất nhiều bất lợi cho người tiêu dùng trong trường hợp cần bảo hành, khiếu nại, giải quyết tranh chấp.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD) mới đây đã tiếp nhận trường hợp người tiêu dùng A mua tủ lạnh tại siêu thị điện máy X. Nhân viên siêu thị chỉ cung cấp cho người tiêu dùng hướng dẫn sử dụng sau khi mua hàng.
Sau khi dùng được 2 tháng (trong thời hạn bảo hành), tủ lạnh bị hỏng. Khi liên lạc với siêu thị điện máy, người tiêu dùng bị từ chối bảo hành với lý do sản phẩm của người tiêu dùng A không liên quan đến siêu thị. Người tiêu dùng A về tìm lại hóa đơn và phiếu bảo hành thì mới phát hiện ra lúc mua hàng, nhân viên không hề cung cấp các tài liệu trên cho người tiêu dùng.
Hay như trường hợp người tiêu dùng C phản ánh và xin tư vấn về việc đi ăn tối tại nhà hàng Z. Khi thanh toán, nhà hàng chỉ xuất biên lai cho người tiêu dùng (trong đó đã có 10% thuế VAT). Người tiêu dùng hỏi nhà hàng về việc nếu không lấy hóa đơn đỏ thì có được trừ 10% thuế VAT không. Nhà hàng cho biết trong mọi trường hợp, người tiêu dùng luôn phải thanh toán cả tiền thuế, kể cả không lấy hóa đơn.
"Như vậy, nếu như người tiêu dùng không lấy hóa đơn, nhà hàng hoàn toàn có thể không xuất hóa đơn. Phần tiền thuế 10%, do đó, sẽ không được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định", Cục CT&BVNTD cho biết.
>> Có thể bạn quan tâm: Báo giá hóa đơn điện tử, Tra cứu hóa đơn điện tử.
Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, không có hóa đơn đồng nghĩa với người tiêu dùng không có bằng chứng giao dịch. Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, khiếu nại, người tiêu dùng có thể bị từ chối. Điều này cũng gây ra khó khăn cho cơ quan bảo vệ người tiêu dùng trong việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, đặc biệt là trong các vụ việc về bảo hành đồ điện tử, các vấn đề về thực phẩm,…
Bên cạnh đó, hành vi không cung cấp hóa đơn của người bán góp phần làm giảm tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh trên thị trường; Hành vi không cung cấp hóa đơn của người bán làm Nhà nước thất thu thuế.
Theo cơ quan này, trước thực trạng cả người bán và người mua đều bỏ qua hóa đơn, một yêu cầu bức thiết được đặt ra là phải chấm dứt tình trạng này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, muốn thay đổi phải xuất phát từ chính người tiêu dùng. Người tiêu dùng cần biết rằng hóa đơn là quyền lợi để được hưởng những chính sách sau bán hàng, và là bằng chứng đầu tiên trong giải quyết khiếu nại.
Trả lời chất vấn Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, theo quy định hiện hành, bán hàng trên 200.000 đồng phải xuất hóa đơn. Dưới 200.000 đồng nếu người mua yêu cầu người bán vẫn phải xuất hóa đơn. Nếu người bán không xuất hoặc thu thêm 10% là người bán hàng quy định. Theo ông, cần tuyên truyền mạnh để người tiêu dùng có thói quen lấy hóa đơn khi mua hàng.
Về giải pháp, theo Bộ trưởng, ngành thuế đang rà soát lại các luật Thuế, xây dựng nghị định hóa đơn, chứng từ điện tử để thực hiện trong năm 2018 với toàn bộ nền kinh tế. Phối hợp các tỉnh thành triển khai mô hình hóa đơn điện tử, kết nối thông tin quản lý hóa đơn bán lẻ, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Song song đó, đẩy mạnh tuyên truyền người tiêu dùng lấy hóa đơn.
(Theo Báo Dân trí)